Friday, February 18, 2022

Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên – Năm C –19-2-2022

Thu Bay VI TN

Gia-cô-bê 3:1-10

1Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. 2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã.  Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. 4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. 5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.  Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác.  Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. 7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. 9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. 10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa.  Thưa anh em, như vậy thì không được.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một lần nữa những lời khuyên của Thánh Gia-cô-bê lại hướng tôi đến những điều thật gần trong đời sống của tôi, đúng hơn gần cửa miệng tôi.  Thứ nhất, đừng đòi làm cha thiên hạ.  Lời khuyên này đưa tôi về với lời dạy của Chúa Giêsu để thấy không phải tôi chỉ là người bất toàn, đầy yếu đuối và lỗi lầm, mà còn vì chỉ mình Chúa mới xứng là Thầy dạy.  Chúa Giêsu nói: Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.  Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.  Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô” (Mt 23:8-10).  Tôi thường có thái độ thích làm cha thiên hạ như thế nào?  Tôi để ý thói muốn làm cha thiên hạ của tôi đang gây ra những hậu quả nào?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?    

2.      Điều thứ hai mà Thánh Gia-cô-bê, trong bài đọc hôm nay, khuyên đó là: mỗi người hãy để ý đến miệng lưỡi của mình.  Nói năng là điều rất quan trọng, văn hóa Việt Nam cũng có nhiều câu nói dạy người ta phải cẩn trọng trong nói năng, như: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, hoặc “Chiếc lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”, hoặc “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hoặc “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.  Đây là những lời mà người Việt Nam nào cũng được dạy từ những ngày bập bẹ biết nói; tuy nhiên, chưa ai hoàn hảo trong việc nói năng!  Nếu tôi quan sát sẽ thấy, phần nhiều những vấn đề đau khổ, tổn thương và chia rẽ khó có sức chữa lành, đều phát xuất từ cái miệng.  Bởi vậy tôi phải thật cẩn thận đến lời ăn tiếng nói của tôi, như một người nào đã nói: “Hãy cẩn thận với những lời của bạn, người ta chỉ có thể tha thứ, nhưng không thể quên” (Be careful with your words, they can only be forgiven, not forgotten).  Tôi đọc lại những lời dạy của Gia-cô-bê để từ nay biết ý thức hơn trong việc ăn nói của tôi, sao cho tình thương, sự chữa lành, tình hiệp nhất và sự bình an được nhân đôi và chia rẽ, hận thù, tổn thương được giảm dần mỗi ngày ở mọi môi trường tôi hiện diện.  Trong giây phút này, tôi muốn dùng miệng lưỡi tôi để ca tụng Chúa và nhắc nhở tôi không tể dùng cũng miệng lưỡi này để nguyền rủa, kết án án một ai. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment