Friday, February 25, 2022

Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên – Năm C –26-2-2022

Thu Bay VII TN

Gia-cô-bê 5:13-16

13Anh em thân mến, ai trong anh em đau khổ ư?  Người ấy hãy cầu nguyện.  Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. 14 Ai trong anh em đau yếu ư?  Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. 15 Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. 16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát.  Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. 

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nhiều người cho rằng, tác giả của Thư Gia-cô-bê là Thánh Gia-cô-bê, giám mục của cộng đoàn Kito hữu tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, bị những người Do-thái giết vào năm 62 A.D.  Nếu quả thực như vậy, bài đọc hôm nay có thể cho tôi hiểu được phần nào đời sống của Giáo hội sơ khai ấy: họ chuyên tâm cầu nguyện và chăm sóc lẫn nhau.  Thánh Gia-cô-bê khuyên mọi người: gặp đau khổ, hãy cầu nguyện cùng Chúa; có niềm vui, hãy chúc tụng Chúa; gặp ốm đau hoạn nạn, hãy mời cả Giáo hội cùng cầu nguyện cho mình.  Tôi đang đau khổ ư?  Hãy nghe lời khuyên của Gia-cô-bê, cầu nguyện với Chúa.  Tôi đang tràn ngập niềm vui ư?  Hãy chúc tụng và ngợi khen Chúa.  Tôi đang bối rối và phân vân điều gì ư?  Hãy cầu xin ánh sáng của Chúa.  Keith McClellan, một tu sĩ Dòng Biển Đức đã nói rất đẹp về cầu nguyện như sau:

Cầu nguyện khởi đi từ một trái tim khắc khoải.

Hãy lắng nghe những khắc khoải ấy.

Nếu bạn cần điều gì đó, hãy cầu nguyện.  

Chúa luôn muốn điều tốt cho bạn.

Khi việc cầu nguyện của bạn trở nên khô khan và nhàm chán, hãy tiếp tục.

Bởi đất khô thì cần nhiều nước.

Khi bạn phạm tội và tiếp tục sa ngã, hãy cầu nguyện bằng mọi cách.

Chúa không ngừng yêu thương bạn.

Nếu vì bất kỳ lý do gì, bạn không thể cầu nguyện, hãy thư giãn.  

Ao ước cầu nguyện đã là một lời cầu nguyện.

Khi cầu nguyện mời gọi bạn chấp nhận rủi ro, hãy can đảm.

Chúa sẽ nâng đỡ bạn.

Khi bạn cảm thấy buồn hoặc hối lỗi, hãy cứ tự nhiên khóc.  

Bởi nước mắt là lời nguyện của con tim.

Khi bạn nhận được tin xấu, hãy can đảm.

Cầu nguyện làm bừng lên ánh lửa từ những cục than cháy dở.

Khi bệnh tật, tuổi tác, đau đớn hoặc lo lắng đánh cắp sự tập trung của bạn, hãy thư giãn.

Chúa là một người bạn luôn biết cảm thông.

Cầu nguyện những lúc tĩnh lặng.

Bởi tĩnh lặng hướng bạn đến Vĩnh Cửu.

Cầu nguyện những khi ồn ào.  

Bởi âm thanh là tiếng ồn ào của tạo vật tìm kiếm Chúa.

Khi cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất công, hãy cứ cầu nguyện.

Chúa là nạn nhân, không phải nguyên nhân.

Hãy đón nhận niềm vui, khó khăn của bạn bè và hàng xóm.

Bởi cuộc đời chia sẻ thì cầu nguyện cũng được sẻ chia.

Khi trái tim vỡ hòa với tâm tình biết ơn, hãy để nó xảy ra một cách tự nhiên.

Thần khí Chúa đang cầu nguyện trong bạn.

Hãy ôm trọn cả thế giới vào giờ cầu nguyện của bạn.  

Hòa bình tùy ở điều này.

Cầu nguyện khi nghỉ ngơi.  

Ngủ nghỉ là lời cầu của tạo vật được an toàn trong tình yêu của Chúa.

Cầu nguyện khi vừa thức dậy.  

Mọi bình minh đều hướng bạn về Ánh sáng.

Cầu nguyện là thở.  

Hãy làm điều đó một cách nghiêm túc và bạn sẽ tràn đầy sức sống.

2. Thánh Gia-cô-bê còn khuyên, hãy cầu nguyện với tất cả lòng tin.  Bởi lời cầu nguyện của người tin mới đem đến những hoa quả thật sự.  Tôi muốn từ nay không cầu nguyện vì luật buộc, vì thói quen nhàm chán, vì a-dua theo phong trào và đám đông.  Tôi cầu nguyện vì lòng tin, vì lòng mến Chúa.  Tôi có danh sách của những người đau bệnh?  Tôi muốn cầu nguyện cho họ.  Tôi có danh sách của những người đang đau khổ vì đời tu, vì chuyện gia đình, vì công ăn việc làm?  Tôi muốn cầu nguyện cho họ.  Có ai đang có niềm vui mà tôi biết không?  Tôi muốn chúc tụng Chúa vì niềm vui họ đang có.  Cả thế giới đang lo sợ về chiến tranh giữa Nga và Ukraine.  Tôi đáp lời mời của Đức Thánh Cha Phanxico.  Tôi muốn cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt và người dân được sống trong bình an.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment