Tuesday, February 1, 2022

Thứ Tư Tuần IV Thường Niên – Năm C –2-2-2022 – Mồng 2 Tết Nguyên Đán – Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Thu Tu IV TN

Ê-phê-xô 6:1-4

1Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ.  Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: 3 Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong các niềm tin tín ngưỡng tại Việt Nam, có lẽ Đạo Hiếu là gần với Kitô giáo nhất, trong đó người Việt được dạy phải biết kính hiếu với ông bà tổ tiên.  Kính hiếu cha mẹ cũng là Điều Răn Thứ Tư trong Mười Điều Răn của Chúa.  Người Công giáo còn có một cách hành đạo rất đẹp đó là, dâng lễ mỗi ngày để cầu nguyện cho mọi người còn sống cũng như đã qua đời.  Vì thế mọi thánh lễ của người Công giáo, dâng mỗi ngày, trên toàn thế giới, đều cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cho gia đình và tổ quốc.  Người Công Giáo còn dùng cả tháng 11 để cầu nguyện cho mọi người đã khuất.  Có lẽ vì sự gần gũi giữa Đạo Hiếu của Việt Nam và Điều Răn Thảo Kính Cha Mẹ trong Kitô giáo mà người Công giáo Việt Nam có thói quen thường xuyên xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên và những người đã khuất.  Chưa hết, Mồng Hai Tết mỗi năm còn là ngày dành riêng để cầu nguyện các bậc tổ tiên.  Vì thế nếu bất hiếu, tôi không chỉ bị xem là đồ mất gốc, mà còn đánh mất một căn tính cao đẹp của một người Kitô nữa.  Tôi muốn dành những giây phút đầu năm này, cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà và cha mẹ, những người sống cũng như những người đã qua đời.  Xin Thiên Chúa đón nhận những bậc tổ tiên đã khuất, cho họ được hưởng thiên đàng là phúc trường sinh với Chúa.  Xin Ngài cũng chúc phúc cho các bậc sinh thành vẫn còn sống, cho họ được sức khỏe, bình an và được yêu thương tôn trọng, trở thành những tấm gương sáng sống động trong gia đình và xã hội.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên của Phao-lô gởi cho Ê-phê-xô, những lời ấy cũng rất gần trong những ca dao tục ngữ Việt Nam nói về đạo hiếu.  Là người Việt Nam, ai cũng được dạy từ trong nôi: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.  Một lòng thờ mẹ, kinh cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”  Đức Khổng Tử cũng dạy, “Thờ cha mẹ, nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ; tuy khó nhọc, lo buồn, nhưng không được oán hận.”  Những lời Thánh Kinh trên, những lời dạy của văn hóa Việt Nam và những lời dạy của Khổng Tử như đã trở thành chân lý của đạo làm người: là người thì phải có hiếu với các đấng bậc sinh thành như tổ tiên, và trên hết là Chúa Trời.  Tôi không chỉ cầu nguyện mà thôi, tôi muốn cám ơn các ngài, vì có các ngài nên mới có tôi.  Tôi cũng xin lỗi các ngài, bởi những lúc tôi đã thiếu cảm thông và kiên nhẫn với các ngài, khi vì sức khỏe và tuổi đời đã làm cho họ trở nên vụng về và lẩn thẩn.  Tôi muốn lấy ca dao Việt Nam làm lời nguyện trong ngày hôm nay: “Đêm đêm ra thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”!  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Cầu Cho Cha Mẹ”, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UbVb3VS9vKg

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment