Tuesday, January 11, 2022

Thứ Tư Tuần I Thường Niên – Năm C –12-1-2022

Thu Tu I TN

1 Sa-mu-en 3:1-10, 19-20

1Hồi ấy, cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom.  Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. 2 Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. 3 Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Đức Chúa gọi Sa-mu-en.  Cậu thưa: “Dạ, con đây!”, 5rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu.  Con về ngủ đi.”  Cậu bèn đi ngủ. 6 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa.  Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ.  Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba.  Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.”  Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.’”  Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. 10 Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en!  Sa-mu-en!”  Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” 

19Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. 20 Toàn thể Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, biết rằng ông Sa-mu-en được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.

(Trích Sách Sa-mu-en I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có nhiều điểm đáng cho tôi suy niệm và cầu nguyện, cụ thể như hai điểm sau: Thứ nhất, tinh thần mau mắn và nhạy bén của Sa-mu-en đã giúp cậu nghe được tiếng Chúa khi cậu ngủ trong đền thờ.  Người Do-thái tin, để nghe được tiếng Chúa nói người ta thường lên đền thờ ngủ.  Có lẽ, vì niềm tin như vậy mà tôi có được câu chuyện Sa-mu-en hôm nay chăng.  Người Công giáo ngày nay không tin như vậy, nhưng tin: Chúa nói với con người trong mọi lúc và ở mọi nơi, chứ không chỉ ở trong đền thờ.  Tuy nhiên, câu chuyện của Sa-mu-en cũng có thể giúp tôi ý thức tìm kiếm thánh ý Chúa trong đời sống.  Việc mau mắn và nhạy bén của Sa-mu-en đã giúp cậu nghe được tiếng Chúa gọi, nói lên tấm lòng cậu yêu mến Chúa như thế nào.  Thông thường, khi yêu ai, tôi sẽ rất tinh nhạy và mau mắn trước tiếng nói và sự hiện diện của người đó.  Càng yêu bao nhiêu, tôi càng tinh nhạy bấy nhiêu.  Ví như tâm trạng của người mẹ nuôi con thơ, dù mẹ ngủ nhưng lòng mẹ luôn thức, dẫu con có khẽ động mẹ cũng biết.  Tôi để ý tình yêu giữa tôi và Chúa như thế nào?  Có nồng nàn, thắm thiết?  Nếu không, Thiên Chúa thì vô hình, cộng với cuộc sống vốn đã rất ồn ào từ trong tâm hồn đến bên ngoài, tôi sẽ không thể nghe được tiếng Chúa.  Tôi muốn lắng đọng tâm hồn trong lúc này, đặt trái tim tôi vào cung lòng Chúa và lắng nghe, xem Ngài đang nói gì với tôi về con cái, gia đình, cộng đoàn, giáo hội, quê hương đất nước và thế giới này, cùng những khó khăn của mọi người.  Tôi để ý Chúa muốn nhắn gởi và sai tôi đi đâu, làm những gì và gặp gỡ an ủi những ai hôm nay.   

2.      Thứ hai, Sa-mu-en còn nhỏ, chưa quen việc phân định tiếng Chúa, cậu đã có được tiên tri Ê-li bên cạnh linh hướng.  Nhờ linh hướng, Sa-mu-en đã nhận ra tiếng Chúa và làm theo thánh ý Chúa.  Tôi có kinh nghiệm bối rối về đủ mọi tiếng nói trong tôi bao giờ chưa?  Tôi đã làm gì những lúc ấy?  Tôi gặp ai để được linh hướng?  Tôi cầu nguyện như thế nào những lúc ấy, có như Sa-mu-en: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đây đang lắng tai nghe”?  Tôi đã thực sự muốn lắng nghe tiếng Chúa, ý Chúa trong mọi lúc hay, tôi chỉ muốn nghe tiếng tôi và làm theo ý tôi mà thôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng “Kinh Lạy Cha,” lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy để giúp tôi luôn khát khao tìm kiếm thánh ý Chúa và trong mọi lúc, luôn muốn làm sáng danh Ngài.         

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment