Thursday, January 6, 2022

Thứ Sáu Bát Nhật Lễ Hiển Linh – Năm C –7-1-2022

Thu Sau HL

Luca 5:12-16

12Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 13 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.”  Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. 16 Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bệnh phong ngày nay đã có thuốc chữa và không còn là căn bệnh phải sợ hãi nữa, nhưng hơn hai ngàn năm trước, bệnh phong bị xem là một căn bệnh đáng sợ nhất.  Đáng sợ vì nó lây lan mà không có thuốc chữa; đáng sợ vì sự đau đớn và ung rữa trên da thịt của người bị phong đến kinh sợ.  Vì thế, người ta tránh người bị phong như người ta tránh người bị HIV/AIDS (si-đa) hai chục năm trước đây, hoặc như người bị Covid-19 một năm trước đây.  Người mắc bệnh phong đã khổ vì phải chứng kiến thân xác của họ thối rữa như ma, từng ngày, trước khi chết; nhưng họ còn khổ hơn nữa, khi bịnh của họ bị gán trong ý nghĩa tôn giáo: họ bị bệnh như thế là do tội lỗi của họ, mà nếu không phải tội của họ thì là tội của cha ông họ, cho nên Chúa phạt.  Xem ra, cách nghĩ của người Do-thái ngày xưa về bệnh tật cũng không xa cách nghĩ của nhiều người Việt Nam ngày nay!  Mỗi khi thấy một ai đó sinh con dị dạng, hoặc gặp những chứng bệnh hiểm nghèo, hay gặp tai nạn, nếu có ác cảm với người bệnh ấy, người ta dễ ném vào mặt những bệnh nhân ấy những lời lên án, đại loại như: “Trời phạt!”  Vì những thiếu hiểu biết về bệnh học, cộng với niềm tin mê tín đã đẩy những người bệnh vào con đường cùng, cô lập họ và demonize họ, biến họ trở thành quỷ thành ma.  Trong Kinh Thánh và văn hóa Do-thái xưa đã có những quy định rõ ràng (Lê-vi 13-14) về bệnh phong và những người bị bệnh phong.  Những người bị phong bị tách ra khỏi cộng đoàn, phải sống một nơi riêng, ăn mặc rách rưới, không được cắt tóc cạo râu, đi đâu phải đeo chuông để tạo ra tiếng kêu và hô to cho mọi người biết mình bị phong để mà tránh.  Bất cứ ai tiếp xúc và đụng vào những người bệnh phong, dù chỉ là quần áo của họ, cũng sẽ bị nhiễm uế, không được vào đền thờ.  Ấy vậy mà Chúa Giêsu, bài đọc hôm nay nói, Ngài đã tiếp xúc với họ, thậm chí, đụng vào người phong cùi.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn đặt mình vào bối cảnh của câu chuyện của bài đọc và tự hỏi: Người phong cùi biết, nếu anh ta tiếp xúc với Chúa Giêsu hoặc người khác, họ sẽ bị nhiễm uế, vậy tại sao anh ta lại làm như vậy với Chúa Giêsu?  Anh ta biết như thế nào về Chúa Giêsu và tin đến mức độ nào?  Anh ta đến với Chúa Giêsu vì lý do gì?  Anh ta không sợ Chúa Giêsu xua đuổi và xa tránh như anh ta đã từng kinh nghiệm bị biết bao nhiêu người khác đã xua đuổi anh ta sao?  Chúa Giêsu biết là mình sẽ bị nhiễm uế khi tiếp xúc và đụng vào người phong, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại làm như vậy?  Có bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh giống anh phong cùi này chưa?  Có khi nào tôi đến với Chúa Giêsu như anh phong cùi này chưa?  Đâu là những chứng phong của thời đại?  Tôi đã gặp ai mắc những chứng phong ấy?  Tôi hành xử như thế nào đối với những người mắc những chứng phong ấy, có như Chúa Giêsu không?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này về những chứng phong của thời đại và thái độ của tôi trước những người mắc những chứng phong của thời đại?

2.      Chúa Giêsu biết rõ mình sẽ bị nhiễm uế nếu tiếp xúc với người phong, nhưng Ngài vẫn làm, thậm chí đụng vào người phong và đã chữa cho anh ta lành.  Câu chuyện này được ghi nhận trong cả ba Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Luca.  Bài đọc hôm nay từ Tin Mừng Luca viết, sau khi cấm anh bị phong không được nói chuyện này với ai, nhưng phải đi trình diện với các tư tế, Ngài đã đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.  Luca kết thúc câu chuyện thật trầm lặng.  Trong khi đó, Mác-cô chỉ cho tôi thấy câu chuyện không kết thúc trầm lặng như vậy.  Mác-cô viết: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.  Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (Mc 1:45).  Tại sao Chúa Giêsu phải ở lại những nơi hoang vắng mà không vào thành được?  Bởi vì Ngài đã bị nhiễm uế.  Người phong cùi từ ngoài thành do ô uế, nay được khỏi bệnh và đã vào thành; trong khi đó, Chúa Giêsu giờ đã bị nhiễm uế và phải ở ngoài thành.  Tôi muốn lấy chi tiết này và cầu nguyện.  Chúa Giêsu cứu người, Ngài đã chỉ nghĩ đến người ta, đến những đau khổ mà người ấy đã phải chịu và muốn giải thoát họ để họ được hoàn sinh và tự do, trong khi đó không để ý đến chính Ngài.  Có khi nào tôi giúp người với thái độ của Chúa Giêsu giúp người phong không?  Có khi nào tôi đã giúp người, cứu người đến thiệt cả thân không?  Chúa Giêsu đã không chỉ cứu anh phong cùi này, mà cứu cả nhân loại, trong đó có tôi, đến thiệt cả mạng sống, chết treo nhục nhã trên thập giá và vẫn còn bị phỉ báng cho đến ngày nay.  Sau Chúa Giêsu, Giáo hội đã có biết bao nhiêu vị đã bắt chước Chúa Giesu cứu người đến thiệt thân, chẳng hạn như Thánh Damien Molokai, Hawaii và Đức Cha Gioan Cassaigne và biết bao các nữ tu tại Di-linh và Quy Nhơn đã sống giữa những người cùi để cứu giúp những người cùi và chết như những người cùi.  Tấm gương của các ngài giúp tôi như thế nào về ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu?  Tôi muốn theo Chúa Giêsu không?  Tôi muốn bắt chước Ngài không?  Tôi nói chuyện với Ngài về thái độ của tôi trong việc theo Chúa và cứu người bao lâu nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment