Gioan 3:22-30
22Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép
rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại
Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép
rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.
25Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và
một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông
Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan
và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ
đều đến với ông.” 27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể
nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm
chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được
sai đi trước mặt Người.’ 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là
chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó
nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ
đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu
mờ đi.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1. Không có chỗ nào trong Phúc âm Gioan nói Chúa Giêsu đã chịu phép rửa, mà chỉ nói Chúa Giêsu làm phép rửa cho người ta, như trong bài đọc hôm nay. Trong ba phúc âm Mát-thêu, Luca và Mác-cô thì lại khác. Ba Phúc âm này nói Chúa Giêsu đã chịu phép rửa từ Gioan Tẩy Giả, nhưng không nói Ngài đã làm phép rửa cho ai. Như thế, tôi đã thấy có sự khác biệt giữa Phúc âm Gioan và ba Phúc âm kia: Phúc âm Gioan nhấn mạnh về thiên tính của Chúa Giêsu, còn ba Phúc âm kia nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu. Nói như vậy không có nghĩa là Phúc âm Gioan phủ nhận Chúa Giêsu đã chịu phép rửa từ Gioan Tẩy Giả, nhưng có lẽ biến cố này không phải là điểm đáng chú ý đối với Phúc âm Gioan. Bởi vậy khi đọc Phúc âm, tôi cần để ý đến những chủ đích của tác giả muốn nhấn mạnh về khía cạnh nào.
2. Bài đọc hôm nay rất đẹp. Rất đẹp ở cái tính rất người trong cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do-thái. Cuộc tranh luận đầy tính ganh tức trong lòng các môn đệ của Gioan, như đặt trước mặt tôi một phông nền tối tăm đầy u ám. Nhưng, cũng nhờ vậy mà cuộc đời của Gioan tỏa sáng trong nền đen ấy. Tôi đọc lại lời của Gioan Tẩy Giả: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” Tôi thử tưởng tượng, Gioan Tẩy Giả lúc ấy đã lừng danh. Tiếng tăm của Gioan Tẩy Giả đã vang lừng khắp vùng và người ta từ các nơi tuôn đến với ông. Trong khi đó Chúa Giêsu mới bắt đầu hành trình rao giảng, chưa mấy ai biết đến, và có lẽ người nào biết về Ngài cũng là nhờ Gioan giới thiệu. Ấy vậy mà, Gioan rất khiêm nhường dám ví mình là bạn của chú rể, tức là Chúa Giêsu, và sẵn sàng lui vào bóng tối để Chúa Giêsu được nổi danh. Nhờ câu nói của Gioan mà làm cho cả đoạn văn sáng lên giữa những ghen tức của các môn đệ của ông. Gioan Tẩy Giả quả là phi thường. Lời ông nói như thể, chính con người của ông đang đi trên mặt nước. Có khi nào tôi đã có thái độ giống Gioan chưa, đặc biệt khi tôi đã thành công và nổi danh? Tôi đã dám để người khác lớn lên, còn tôi nhỏ lại? Quan trọng hơn, tôi đã để Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại? Hay, tôi thường có thái độ ngược lại với Gioan rằng: Trong cuộc đời này chẳng có ai, kể cả Chúa, cũng không lớn bằng cái tôi của tôi? Tôi muốn chiêm ngắm chân dung của Gioan Tẩy Giả, từ bài đọc hôm nay, và để ý Chúa đang muốn nói gì với tôi.
0 comments:
Post a Comment