Wednesday, January 19, 2022

Thứ Năm Tuần II Thường Niên – Năm C –20-1-2022

Thu Nam II TN

Mác-cô 3:7-12

7Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ.  Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người.  Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật thích hợp cho tôi cầu nguyện bằng phương pháp hình dung theo kiểu của Thánh Inhaxio Loyola.  Tôi đọc lại bài đọc trên và hình dung, người ta lũ lượt từ khắp nơi kéo đến gặp Chúa Giêsu để được nghe giảng và để được chữa lành.  Thánh Mác-cô kể, họ từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn lũ lượt kéo đến.  Con số này đông không?  Họ không phải đi từ từ, thong thả, nhưng chắc là phải vội vàng và chen lấn nhau để được đến trước, để khỏi lỡ cơ hội gặp Chúa Giêsu.  Vì chỉ trong 5 câu ngắn gọn, Mác-cô đã dùng những động từ rất mạnh như: hai lần nhắc đến cụm từ “lũ lượt kéo đến” và một lần “đổ xô đến.”  Họ gồm đủ loại người: người mạnh khỏe, người đau yếu đủ các thứ bệnh, kẻ hiếu kỳ, người tin, người không tin, người yêu mến và lại có quỷ nữa.  Tôi hình dung và thấy đám đông với đủ loại người lũ lượt kéo đến gặp Chúa Giêsu, nhưng quan trọng hơn trong đó có tôi không?  Tôi đến với thái độ nào?  Tôi đến với nhu cầu gì?  Cái gì thúc đẩy tôi đến?  Có thể, tôi chẳng thấy tôi đâu trong đám đông ấy.  Tại sao tôi không có mặt trong đám đông ấy?  Vì không tin, vì bận rộn, vì thờ ơ, vì thất vọng, vì khi chê chối bỏ Chúa Giêsu?  Dù như thế nào tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này và bày tỏ tất cả tấm lòng của tôi với Ngài. 

2.      Mác-cô kết thúc câu chuyện này bằng một câu có thể khó hiểu: Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên: ‘Ông là Con Thiên Chúa!’ Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.”  Tôi có thể thắc mắc: Ma quỷ là những tên chống đối Thiên Chúa, ấy vậy mà lại phủ phục và kêu lên: “Ông [Chúa Giêsu] là Con Thiên Chúa!”?  Mác-cô có ý gì ở đây?  Đây là một đoạn văn tóm lược cho một trình thuật dài trong Phúc âm Mác-cô, từ chương 1:14 cho đến đoạn này, trong đó tác giả muốn nhấn mạnh cho người đọc là tôi, Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa!   Tôi để ý, Mác-cô dùng ba động từ: “thấy”, “phủ phục” và “kêu lên” đi kèm với trạng từ chỉ thời gian: “hễ” (whenever).  Như vậy, đây không phải là lần đầu ma quỷ phủ phục trước Chúa Giêsu, nhưng đã nhiều lần.  Tuy nhiên, cái phủ phục của ma quỷ không giống như những người mộ đạo phủ phục trước mặt Chúa.  Ma quỷ phủ phục, bởi trước mặt chúng là một Đấng đầy quyền năng trên cả chúng, đặc biệt Đấng ấy là Con Thiên Chúa, nên chúng sợ.  Còn những người mộ đạo phủ phục, bởi trước mặt họ là một Đấng đầy quyền năng, đứng về phía tôi, bênh vực cho tôi, yêu thương tôi và cứu giúp tôi, quan trọng nhất Ngài là Con Thiên Chúa, nên họ yêu mến Ngài.  Ma quỷ nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, còn tôi trong giây phút này tin Ngài và gọi Ngài là ai?  Tôi nói ra và gọi Chúa Giêsu là ai đối với tôi ngay trong giây phút này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment