Wednesday, January 5, 2022

Thứ Năm Bát Nhật Lễ Hiển Linh – Năm C –6-1-2022

Thu Nam HL

 1 Gioan 4:19-5:1

4/19Anh em thân mến,
chúng ta yêu mến Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.
20Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”
mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.
21Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người:
ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.
5/1Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay đưa tôi trở lại cái nhìn đúng hơn về tương quan giữa tôi với Thiên Chúa.  Thông thường, tôi hoặc nhiều người vẫn nghĩ tôi yêu Chúa trước, tôi làm điền này và điều nọ và Chúa nhớ mà thi ơn giáng phúc cho tôi mỗi khi tôi cần, Chúa nhớ mà trả công cho tôi sau này, Chúa nhớ mà cho tôi vào thiên đàng…!  Không đúng.  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, Thiên Chúa luôn đi bước trước và yêu tôi trước.  Vì thế, nếu có việc làm gì tốt hoặc nỗ lực sống tốt, trước nhất là cho tôi, chứ Chúa chẳng được gì từ tôi.  Hoặc nếu vì Chúa, thì đó chỉ là vì Chúa đã thương tôi trước nên tôi muốn sống tốt và làm tốt để tỏ lòng biết ơn về tình yêu lớn lao Ngài đã dành cho tôi trước.  Hay mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện, tôi hoặc nhiều người vẫn thường mời Chúa đến trong giờ cầu nguyện, như thể: con đang ngồi chờ đây rồi, sao Chúa vẫn chưa đến?  Sai.  Bởi Chúa đã đang chờ tôi từ bao giờ và mỗi ngày vẫn chờ đợi tôi, mời tôi đến, thế mà tôi vẫn đến trễ, tôi không đến, hoặc tôi chẳng buồn đến.  Vì cứ tưởng tượng mà xem, có khi nào con cái xin cha mẹ cho đi chơi mà nói rằng, chúng vẫn ngóng trông cho đến giờ để về với cha mẹ hay là, cha mẹ cứ ngóng hàng giờ, trông từng phút, khi nào con cái mới đi chơi về?  Nếu chưa về thì cha mẹ chưa thể ngủ yên.  Như vậy, người lớn trông chờ người trẻ, cha mẹ trông chờ con cái, chứ thường không có chuyện ngược lại!  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này khi mà, Chúa đã yêu thương từ ngàn đời và tình yêu ấy bao la luôn bao bọc và gìn giữ, chờ đợi tôi? 

2.      Thứ đến, lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tôi về cách thực hành đức tin đúng nhất và mạnh mẽ nhất, đó là: yêu thương tha nhân.  Yêu người chính là dấu chỉ tôi có Thiên Chúa trong lòng.  Yêu Chúa luôn thúc đẩy tôi đến với tha nhân, chứ không chỉ: “Đạo tại tâm,” hay “Đèn nhà ai nấy sáng”!  Lối sống đạo chỉ cho sự cứu rỗi của riêng tôi mà thôi, không phải là lối sống đạo của Kitô giáo.  Người ta có thể vào hỏa ngục một mình, nhưng chưa ai đã được vào thiên đàng một mình.  Mến Chúa và Yêu Người là hai giới răn quan trọng nhất và duy nhất mà Chúa Giêsu để lại.  Chúng như đôi dép, hay đôi đũa luôn đồng hành hỗ tương nhau, luôn hiện bên nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia.  Tôi trầm mình bên Chúa trong lúc này, tỏ bày lòng yêu mến của tôi với Chúa và để ý xem Ngài gởi tôi đến với những ai, yêu thương và quan tâm đến những người nào hôm nay?  Như với một chiếc đũa này, tôi trầm mình cám ơn Chúa về sự sống, sức khỏe, gia đình, bạn bè và công ăn việc làm; với một chiếc đũa kia tôi quan tâm đến mọi người đang ăn chung với tôi, tôi lắng nghe họ, biết ơn họ, biết người nấu ăn cho tôi, người cầy cấy để có mùa màng tốt, thức ăn ngon trên bàn cho tôi và gia đình trong lúc này.  Tôi để ý lắng nghe mọi người nói chuyện trong bàn ăn.  Họ đang có những khó khăn, lo sợ, ưu tư và niềm vui nào.  Kể từ hôm nay mỗi khi bước vào bàn ăn và cầm đũa, tôi muốn biến bữa ăn trong gia đình thành bữa ăn trên thiên đàng.  Tôi xin cho được nhạy bén và can đảm dám lên đường sống yêu thương trọn ngày hôm nay và trọn cuộc đời tôi.             

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment