Friday, January 28, 2022

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Năm C –29-1-2022

 Thu Bay III TN

Mác-cô 4:35-41

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi!  Câm đi!"  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế?  Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"  

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được viết sau biến cố thực nhiều năm.  Như vậy bài đọc không nhằm để tả về biến cố các môn đệ hoảng hốt trước cuồng phong trên biển và được Chúa Giêsu làm phép lạ khiến biển lặng như tờ, nhưng có một ẩn ý sâu hơn.  Trong Kinh Thánh, con thuyền thường được dùng để ám chỉ về đời sống của Giáo hội, sóng gió là những cuộc bách hại đạo, khiến các lãnh đạo, hay đúng hơn các Kitô hữu hoảng loạn.  Họ cảm thấy như Chúa chẳng quan tâm gì đến đau khổ mà họ đang phải chịu, Chúa cứ ngủ thôi!  Cho đến khi họ kêu cầu Chúa, Ngài thức dậy và dẹp tan cuồng phong.  Như vậy, Mác-cô muốn tôi đọc bản văn này như thế nào?  Những bắt bớ và đàn áp đạo xảy ra ở mọi thời, mọi nơi, nay chỗ này mai chỗ khác, là một thực tế hiển nhiên như cuồng phong luôn luôn xuất hiện trên biển cả, nay mạnh mai yếu, nay chỗ này mai chỗ khác.  Chẳng phải là ngày hôm nay mới có những cuộc bách hại đạo chỗ này chỗ kia trên thế giới, những cuộc khủng hoảng trong lòng Giáo hội, những thánh đố sống đức tin trong các gia đình và xứ đạo, nhưng chúng luôn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời.  Điều đáng chú ý trong bài đọc hôm nay đó là, Chúa đang hiện diện trên thuyền với họ, thế mà họ vẫn không an tâm.  Họ không an tâm là vì họ cảm thấy cầu nguyện làm chi, chẳng có chuyện gì xảy ra đâu; Chúa có quan tâm đâu, Chúa chỉ có lo ngủ thôi!  Vì thế, họ vất vả chèo chống, rốt cục chẳng ăn thua gì thua gì, cho đến cuối cùng mới kêu cầu Chúa.  Lúc đó, biển mới yên sóng mới lặng, ý nói tâm hồn họ được bình an.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn nhìn vào đời sống của Giáo hội xem, đang có những khủng hoảng và cuồng phong nào?  Tôi có cầu nguyện cho Giáo hội mỗi ngày không?  Tôi thấy Chúa quan tâm không?  Đặc biệt, tôi có quan tâm không?  Tôi đã làm những gì cụ thể để giúp Giáo hội bớt đi những cuồng phong hoặc chống chọi với những cơn cuồng phong?  Có thể tôi đã cầu nguyện, nhưng chẳng tin lắm?  Có thể tôi đã cầu nguyện, nhưng chẳng làm gì cụ thể sau khi cầu nguyện?  Để mặc kệ Chúa!  Có thể tôi cũng đang chèo chống, nhưng không cùng nhịp và cùng hướng chèo với Chúa và với Giáo hội, mỗi người chèo mỗi hướng, làm cho con thuyền Giáo hội càng đảo điên hơn.  Tôi ngồi bên Chúa trong giây phút này và để ý Chúa đang làm việc hết mình như thế nào để giữ cho Giáo hội được bình yên, còn tôi thì đang giúp Chúa như thế nào?   

2.     Hôm nay cũng là những ngày cuối năm Âm lịch.  Tôi cũng muốn nhìn lại cả một năm qua.  Đời sống của tôi, gia đình và cộng đoàn của tôi có những cuồng phong nào?  Tôi đã làm gì những lúc ấy?  Chèo chống một mình hay gọi Chúa cùng chèo chung?  Tôi đi lễ rước Chúa vào lòng, Ngài luôn ở trong lòng tôi, ở trên thuyền của tôi, ấy vậy mà tôi có gọi Chúa giúp, hay tôi chẳng tin gì việc cậy nhờ Chúa?  Tôi cho rằng Chúa chẳng quan tâm, nên chỉ dựa vào sức riêng của tôi?  Mọi người trong gia đình và cộng đoàn có cùng chèo một hướng, một nhịp hay mỗi người mỗi hướng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment