Tông Đồ Công Vụ 22:3-16
3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng:
“Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi
dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ
Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi
cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi
đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục
cả đàn ông lẫn đàn bà, 5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể
hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với
anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem
trừng trị.
6“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát,
thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu
xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có
tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi
đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà
ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông
thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi
nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa
bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả
những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì
ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các
bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.
12“Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng
đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là
tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy
lại đi!’ Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông
nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của
Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả
vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã
thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy
mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
(Trích Tông
Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm
nay là một trong những câu chuyện rất nổi tiếng trong Tân Ước: “Phao-lô Ngã Ngựa”. Dù truyền thống vẫn gọi vậy, nhưng trong câu chuyện không nói là ông đang cưỡi ngựa.
Có lẽ cách gọi này gắn liền với ngựa bởi ngựa thường được dùng làm phương
tiện di chuyển thời bấy giờ nên người ta cho rằng, Phao-lô đang cưỡi ngựa trên
đường đi Đa-mát thì biến cố này xảy ra.
Nhưng phải nói rằng, tên gọi hay nhất cho câu chuyện này là: “Phao-lô Trở
Lại”, và tên gọi đúng nhất cho câu chuyện này mà chính Phao-lô đã đặt cho nó,
đó là: “Thị Kiến Bởi Trời” (Cv 26:19). Dù
với tên gọi nào, đây là một kinh nghiệm rất ấn tượng đối với Phao-lô, bởi nó đã
thay đổi ông hoàn toàn. Chính ông cũng
đã hay kể lại biến cố này, ít là ba lần trong TĐCV: 9:1-19; 22:3-16; 26:1-23. Phao-lô là một người thuộc trường phái khắc kỷ,
giữ luật Chúa nghiêm ngặt đến cuồng tín.
Lối sống ấy đã khiến ông trở thành một con người có một cái nhìn rất nhỏ
hẹp, cứng ngắc, không còn chỗ cho Chúa tác động; để rồi, thay vì phụng sự Thiên
Chúa, ông trở thành người chống đối Thiên Chúa mạnh mẽ nhất. Ở thời đại nào cũng vẫn còn những con người cũ
của Phao-lô. Chẳng hạn những người Công
giáo đang đi ngược lại với đường lối cải cách của Công đồng Vatican II. Họ muốn Giáo hội phải làm lễ bằng tiếng
La-tinh, một ngôn ngữ chết, thậm chí là một ngôn ngữ đã dùng để giết Chúa Giêsu,
muốn chủ tế quay lưng lại với giáo dân biến Giáo hội của Chúa Kitô thành Giáo hội
của Mô-sê, và Giáo hội thành một tập thể văn hóa giáo sĩ trị coi thường giáo
dân. Có khi nào tôi cũng giống như Phao-lô
cũ? Tôi say mê đạo Chúa, nhiệt tâm giữ
luật đến mù quáng, đến mức tôn thờ lề luật chứ không tôn thờ Chúa, phụng sự lề
luật chứ không phụng sự con người? Tôi đọc
lại câu chuyện Phao-lô để tôi được thấy và sống đúng hơn trong tương quan với
Thiên Chúa và tha nhân, để tôi dám ở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động và để
giúp Giáo hội thích ứng với những biến chuyển của thời đại, nhằm phục vụ cho
nhiều người, hơn là khép kín, hơn là biến Giáo hội trở thành đặc quyền của một
nhóm người.
2.
Cuộc “Ngã
Ngựa” của Phao-lô là một biến cố đổi đời, nhờ ông đã đặt đúng câu hỏi cho chính
mình: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Đâu
là những cuộc “ngã ngựa” trong cuộc đời của tôi? Đó có thể là những lần thất bại trong cuộc đời
như: thi rớt, thất nghiệp, tai nạn, bệnh tật, người thân từ trần, gia đình li
tán. Tôi đã phản ứng như thế nào những
lúc ấy? Tôi đã đặt câu hỏi gì những lúc ấy? Những cuộc ngã ngựa ấy đã thay đổi tôi như thế
nào, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, dẫn tôi đến gần Chúa hay đẩy tôi
xa Chúa? Tôi muốn nói gì với Chúa trong
lúc này? Tôi cũng có thể nói chuyện với
Phao-lô trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment