Monday, January 17, 2022

Thứ Ba Tuần II Thường Niên – Năm C –18-1-2022

Thu Ba II TN

Mác-cô 2:23-28

23Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa.  Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia?  Điều ấy đâu được phép!” 25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao?  Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa.  Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” 27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

 (Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có ba điều làm nên một người Do-thái đạo đức, đó là: Thứ nhất, chịu phép cắt bì; thứ hai, giữ ngày sa-bát, và thứ ba, giữ luật thanh sạch.  Luật ngày sa-bát, người Do-thái giữ rất ngặt.  Họ không làm bất cứ điều gì gọi là lao động như: không đi làm, không nấu nướng, không được cắt rau quả quá sớm trước giờ ăn, được quét nhà nhưng không được lau nhà, không được đi bộ quá ¾ dặm, tức 1,2 km…  Nói chung, những đòi hỏi của ngày sa-bát có một mục đích rất tốt, đó là: nghỉ ngơi, tập trung vào đời sống gia đình, xây đắp tình gia đình và phát triển đời sống tâm linh, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.  Kitô giáo đã vay mượn một cách uyển chuyển luật này, nhờ vậy, cả thế giới ngày nay đã có ngày Chúa Nhật.  Tuy nhiên, luật ngày sa-bát được làm ra vì con người, nhưng có những người lại coi luật trọng hơn người và biến luật trở thành một gánh nặng trong cuộc sống và trên người khác.

2.      Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình về cách giữ luật ngày sa-bát.  Các môn đệ băng qua cánh đồng lúa, có lẽ lấy tay bứt vài hạt lúa ăn cho vui miệng.  Xét theo luật, những người Pha-ri-sêu đã nói đúng về việc làm trái luật của các môn đệ.  Vì họ đã bứt lúa, vò lúa trên tay, rồi tách vỏ trấu ra để ăn lúa, ba cử chỉ này đã xúc phạm lề luật của ngày sa-bát.  Chúa Giêsu cũng không nói là các Pha-ri-sêu đã nói sai; Ngài chỉ trách họ đã giữ luật quá máy móc, giữ luật vì lề luật chứ không vì con người.  Mà người Pha-ri-sêu ở đâu, sao mà lắm thế?!  Chúa Giêsu hoặc các môn đệ làm cái gì cũng bị những người Pha-ri-sêu, như công an từ trong bụi rậm nhảy ra, bắt bẻ!  Có lẽ họ không sẵn như vậy.  Điều Kinh Thánh muốn viết ở đây có lẽ muốn ám chỉ, bất cứ ai cũng có tính Pha-ri-sêu trong máu mình.  Tôi thường xét đoán, bắt bẻ người khác dễ hơn là cảm thông và chia sẻ.  Ở đâu tôi cũng thích đưa luật ra, không phải để sống, mà để đàn áp, khiến bầu khí chung quanh trở nên ngột ngạt đến khó thở.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn xét mình: Tôi thường làm Pha-ri-sêu ở những nơi nào và với những ai?  Ở mọi nơi tôi xuất hiện, mọi người có vui vẻ, đầy sức sống hay ngột ngạt đến khó thở?  Tôi có hay áp dụng tính Pha-ri-sêu cho người khác, còn tôi thì không?  Sao ở đâu và lúc nào Chúa cũng thấy tôi ngồi ở ghế quan tòa mà chẳng thấy tôi ngồi ở ghế bị can?  Nên nhớ, trong kho tàng khôn ngoan của người Việt có câu: “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn.”  Tôi muốn lấy câu này làm phương châm sống.  Tôi cũng muốn đọc lại lời dạy trên của Chúa Giêsu, để sống và làm cho những người xung quanh được sống. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment