Mác-cô 3:22-30
22Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem
xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa
thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến,
dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước
nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia
rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan,
Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không
ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã,
rồi mới cướp sạch nhà nó. 28 “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi
và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được
tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh
Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó
là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám.”
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay vẫn còn mang âm
hưởng từ các bài của mấy ngày qua, đó là: danh tiếng Chúa Giêsu đang ngày một
vang xa hơn và người ta từ khắp phương đang tuôn đến với Ngài. Đến nỗi, trong bài đọc hôm nay, các chức
trách của giáo hội Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đã phải xuống điều tra. Sự nổi tiếng của Chúa Giêsu là một đe dọa lớn
đối với các tư tế và Pha-ri-sêu, bởi, Ngài đang hấp dẫn nhiều người đi theo. Người ta thấy những lời Chúa Giêsu giảng đầy
quyền uy và rất khác với những gì họ được dạy từ bao lâu nay. Những việc Ngài làm cũng rất nhiệm mầu và lạ
lùng. Như vậy sự nổi tiếng của Chúa Giêsu
sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những lợi lộc của đền thờ và của các tư tế. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu bắt đầu gặp khó
khăn với các giới chức trong giáo hội Do-thái.
Hơn 300 năm trước Chúa giáng sinh, triết gia Aristotle của Hy-lạp đã nói
về cách thức đối diện với chỉ trích như sau: “Chỉ có một cách để tránh mọi chỉ
trích, đó là: không làm gì, không nói gì và không là gì” (There is only one
way to avoid criticism: do nothing, say nothing and be nothing). Nói như vậy, chỉ trích là
một điều hiển nhiên và rất thường xảy ra với mọi người, dù tôi có tốt hay xấu đến
mấy đi nữa. Đúng là: miệng thiên hạ! Nhưng, nếu vì sợ chỉ trích mà tôi chẳng làm
gì, chẳng cống hiến cho đời, tôi là một người hèn nhát, tệ hơn nhữa là một người
ích kỷ, thậm chí không còn là một Kitô hữu nữa.
Có khi nào tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như Chúa Giêsu,
mỗi khi lo chuyện thiên hạ, chuyện cộng đoàn giáo xứ? Tôi phản ứng và có thái độ như thế nào mỗi
khi làm việc bác ái và giúp người mà bị chống đối, hiểu lầm và bị gièm pha? Tôi ngắm nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu để được
an ủi. Bởi, tôi có tốt hơn Chúa Giêsu đâu
mà mong sẽ không bị chỉ trích khi dấn thân? Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này để
được nâng đỡ và chữa lành, trước những chỉ trích và nói hành nói xấu của những
người xung quanh.
2.
Trong bài đọc hai ngày trước,
Chúa Giêsu bị chính những người nhà chống đối.
Họ nói Ngài bị điên. Bài đọc hôm
nay, những kinh sư của đền thờ Giê-ru-sa-lem nói: Chúa Giêsu bị quỷ ám và thờ
quỷ Bê-en-dê-bun. Tôi nghĩ sao về những
lời gièm pha và sự cứng lòng tin của những người thời Chúa Giêsu? Người ngày nay có còn chỉ trích và không tin
vào Chúa Giêsu, dù đã chứng kiến bao nhiêu việc Ngài đã làm vì yêu, đến mức chết trên thập giá? Chúa Giêsu nói: “Mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa,
thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm
đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Điều này không có nghĩa là tình
thương của Thiên Chúa có giới hạn mà là, Ngài không thể làm gì hơn trước sự cứng lòng của tôi. Cho dù Chúa Thánh Thần đã
làm đủ mọi cách để mạc khải cho tôi về tình yêu ấy, tôi vẫn không tin, vẫn chối
từ và vẫn cố chấp. Như vậy, không phải
là Chúa đánh phạt tôi, mà là chính tôi không muốn tha thứ cho tôi, không muốn đón nhận tình yêu của Chúa.
Trong giây phút này, tôi muốn chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu luôn dành
cho tôi, đã chết vì yêu tôi. Tôi mở lòng
để cho tình yêu ấy tuôn trào trong tâm hồn tôi, rửa sạch mọi tội lỗi và chữa
lành mọi vết thương trong tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment