1 Sa-mu-en 8:4-7
4Thời ấy, toàn thể các kỳ mục tập hợp lại
và đến với ông Sa-mu-en ở Ra-ma. 5 Họ nói với ông: “Ông
coi, ông già rồi, và các con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng tôi một
vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc.” 6 Ông
Sa-mu-en bực mình vì lời họ nói: “Xin ông cho chúng tôi một vua để xét xử chúng
tôi.” Và ông Sa-mu-en đã cầu nguyện với
Đức Chúa. 7 Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi cứ nghe
theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt
bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng.”
(Trích Sách
Sa-mu-en I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, Dân Do-thái đã vào Đất Hứa, cuộc sống
đã ổn định và không còn lang thang như tổ tiên họ 40 năm trong sa mạc. Xét về lịch sử và nhân chủng học, lịch sử
Do-thái có lẽ bắt đầu chuyển mình từ lối sống du mục đến định cư định
canh. Trong lối sống định cư định canh ấy,
người ta bắt đầu lập nên thể chế chính trị quân chủ, một người đứng đầu lãnh đạo
đó là vua và dưới vua là các quần thần, rồi dân đen. Dân Do-thái lần đầu tiên đã muốn có vua lãnh
đạo họ, giống các dân nước lân bang. Như
thế, họ không còn dưới sự lãnh đạo tinh thần của các tiên tri hay tư tế nữa, mà
là một vị vua. Câu nói trọng yếu trong
câu chuyện này chính là lời Chúa nói với Sa-mu-en: “Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì
không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua
của chúng.” Tôi có thể thấy Sa-mu-en thất vọng, buồn bực vì
dân không còn muốn ông lãnh đạo nữa, không còn trọng ông nữa, mà lại muốn người
khác lãnh đạo. Tôi có kinh nghiệm bị hất
hủi hay loại bỏ từ những người, một thời tôi đã gắn bó hết mình và hy sinh cho
họ? Chẳng hạn như cảm thấy con cái khinh
thường, bỏ rơi, những người mà tôi đã đặt hết tin tưởng và xả thân đến quên
mình vì chúng? Chẳng hạn như giáo xứ, cộng
đoàn mà tôi đã hết mình phục vụ, nay người ta không dùng tôi nữa...? Tôi đã làm gì những lúc thất vọng và buồn
chán ấy? Tôi có đến than thở với Chúa những
lúc ấy? Chúa đã nói gì với tôi những lúc
ấy?
2.
Đây là một biến cố lịch sử được viết lại trong nhãn quan đức tin
nhằm, dạy mọi người về đức tin. Cũng
chính bởi tính đức tin, tôi có thể nhận thấy câu chuyện này cũng đang nói cho
tôi ngày hôm nay. Câu hỏi đối với tôi
trong giờ cầu nguyện này có lẽ là: Ai thực sự là vua trong cuộc đời của tôi bây
giờ: Chúa, tiền bạc, tội lỗi, vết thương quá khứ, danh vọng, thành kiến, lòng hận
thù, ai đó hoặc ma quỷ? Tôi xem xét lại
đời sống của tôi trước mặt Chúa và xin được can đảm chọn lại cho đúng.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment