Mác-cô 3:20-21
20Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ
trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống
được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt
Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật ngắn và là điểm đến từ bài đọc của hai hôm trước,
khi ấy dân chúng từ khắp nơi tuôn đến, chen lấn nhau để được gặp Chúa Giêsu, để
được đụng vào Ngài, để được nghe Ngài dạy bảo và để được Ngài chữa lành. Dân chúng không chỉ xúm xít vây quanh Chúa Giêsu
nơi công cộng, mà còn theo về nhà của Ngài và các môn đệ nữa đến nỗi, các ngài
không sao ăn uống được. Có khi nào tôi cũng chen lấn đi tìm Chúa không? Tôi là ai với Chúa Giêsu: một người xa lạ, tin mạnh mẽ, con cưng của Chúa, tin nửa vời, hay chỉ là một fan (người hâm mộ) Chúa Giêsu thôi? Có khi nào
chính tôi cũng bận rộn đến mức không có giờ để ăn không? Có thể tôi bận rộn vì những bổn phận và trách
nhiệm cho đời tư của tôi; trong khi đó, Chúa Giêsu và các môn đệ bận rộn chuyện
của thiên hạ, chuyện cứu người. Giờ cầu
nguyện này tôi cũng muốn nhìn lại đời sống của tôi, cả một ngày sống, tôi có
thường bận rộn không? Tôi bận rộn vì ai
và vì những gì? Sự bận rộn của tôi cho
những điều thiện hảo, hay những điều xấu?
Tôi muốn những bận rộn của tôi được là những bận rộn vì sự quảng đại của
tôi dành cho người khác, hơn là vì tính ích kỷ, thậm chí trục lợi người
khác.
2. Cảnh dân chúng cứ bám theo Chúa Giêsu quá đông, khiến người nhà của Ngài cũng bực bội, có lẽ vì cứ phải chờ đợi đến cơm nguội canh lạnh chăng. Có lẽ vì rất lo cho sức khỏe của Ngài và các môn đệ, muốn cho họ được nghỉ ngơi một chút, thế mà không sao có được, đành phải nói: Chúa Giêsu đã mất trí chăng? Có khi nào tôi thương ai, lo cho ai, đến nỗi người khác nói tôi là điên chưa? Trong giây phút này, tôi có thể đi vào những nỗi lo của người nhà Chúa Giêsu, để hiểu, để cảm, để thương, để bắt chước Chúa Giêsu sống hết mình cho người khác và vì người khác.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment