Mác-cô 1:14-20
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức
Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người
nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và
tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ
Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống
biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông:
“Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người
như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo
Người. 19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông
Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai
ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các
ông. Và các ông bỏ cha mình là ông
Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là tuần đầu
tiên của Mùa Thường Niên trong Năm Phụng Vụ, mùa để hướng đến những gì tôi cần
thăng tiến trong đời sống. Bài đọc hôm
nay là khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã khai mạc sứ vụ công khai của Ngài bằng lời kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng.”
Tại sao Tin Mừng mà phải sám hối?
Bởi hai chữ “sám hối” có bao giờ là vui đâu. Đây là cách dịch thông thường mà tôi vẫn
thường gặp, chứ trong bản gốc tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ mà Phúc âm đã được viết
ra, “metanoia” không đơn giản chỉ là
sám hối, tức là chừa bỏ tội lỗi, tức là thống hối ăn năn. “Metanoia”
đúng ra là thay đổi não trạng cũ kỹ của tôi, thay đổi cách nhìn hẹp hòi, thay
đổi lối sống đã không còn khả năng sinh hoa trái nữa, để có một não trạng mới,
cái nhìn thoáng rộng, lối sống tròn đầy sinh lực thì mới có thể đón nhận được
Tin Mừng mà Chúa Giêsu đang muốn rao giảng.
Nói theo ngôn ngữ của thời a-còng @, thời buổi kỹ thuật số, “metanoia”
có nghĩa “upgrade my software or upgrade my phone”, để có những chức năng mới
dùng được dễ dàng và tốt hơn. Não trạng
cũ và hẹp hòi có thể là “mắt đền mắt, răng đền răng” để đổi lấy cái não trạng
mới thoáng mở như không chỉ yêu người yêu mình, mà còn yêu cả người ghét mình,
không chỉ cầu nguyện cho những người làm ơn cho mình, mà còn cầu nguyện cho cả
những kẻ bắt bớ và hãm hại mình. Lối
sống cũ có thể là cuộc đời này cứ cố gắng sống cho qua loa thôi, bất chấp và
làm ngơ mọi sự trong cuộc đời này để, chỉ mơ về một cuộc sống sung mãn mai sau
trên thiên đàng; hôm nay tôi metanoia
tôi để, nhận ra tôi phải sống tròn đầy và đi vào thiên đàng ngay giây phút này,
không phải chờ sau khi chết. Cái suy
nghĩ cũ đó là tìm thiên đàng cho riêng tôi mà thôi, hôm nay tôi metanoia tôi để, tôi cần đi vào thiên
đàng với những khác và giúp người khác cùng vào thiên đàng với tôi. Chỉ có con đường đi vào hỏa ngục là tôi chẳng
cần đi với ai, tối mới cần khư khư giữ mãi câu nói: “đạo ai người nấy giữ”, “đèn nhà ai nhà nấy sáng” hoặc “đạo
là ở tâm”, hiểu theo nghĩa tiêu cực và theo nghĩa đen. Tôi đọc lại câu nói đầu
tiên trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu và hỏi Ngài xem, đâu là những
góc cạnh trong đời sống mà tôi cần phải metanoia,
để có thể đón nhận được những gì Ngài rao giảng cho tôi.
2.
Lời rao giảng của Chúa Giêsu phải hấp dẫn
người nghe lắm, hướng đến một cái nhìn mới, hấp dẫn người ta đến một cuộc sống
tròn đầy mà trước giờ họ không biết, không có.
Bởi thế, những ngư phủ mới có thể dám bỏ mọi sự: gia đình và sự nghiệp,
đi theo Ngài. Chúa Giêsu vẫn cần những
đồ đệ mới của thời đại này, nên Ngài vẫn gọi tôi. Tôi nghe thấy không? Lời mời gọi của Ngài có hấp dẫn tôi
không? Tôi muốn theo Chúa Giêsu
không? Cái gì đang cản bước tôi khiến
tôi không thể theo Ngài? Tôi ngồi bên
Chúa và suy xét. Tôi ngồi bên Chúa Giêsu
và xin được có lòng ao ước muốn theo Ngài.
Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” của Ngọc Kôn, với sự trình bày của Lm. Xuân
Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=WK_BrE-7Szo
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment