Monday, January 31, 2022

Thứ Ba Tuần IV Thường Niên – Năm C –1-2-2022 – Tết Nguyên Đán – Cầu Bình An Cho Năm Mới

Thu Ba IV TN

Mát-thêu 6:25-34

25Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc.  Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.  Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?

28Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì?  Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin!

31Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm.  Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.  Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày đầu năm, lời của Chúa Giêsu năm xưa thật thích hợp cho tôi được đọc và cầu nguyện vào ngày hôm nay.  Những lời này như những lời chúc quan trọng và cần thiết trong ngày đầu tiên của năm: Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo.  Ngày nào có cái khổ của ngày ấy!”  Tôi tin ở những lời của Chúa Giêsu không?  Nếu Chúa Giêsu nói mà tôi còn chẳng tin, sao tôi lại tin những người phàm vẫn chúc tôi, hoặc tôi vẫn chúc người khác trong ngày đầu năm, như: “Chúc quý vị năm mới vạn sự may lành, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài…”?  Mark Twain, một nhà văn Mỹ, có lần nói: “Nhiều người Kitô thường cầu nguyện với Kinh Lạy Cha mỗi Chúa Nhật, nhưng cả tuần họ lại sống như những kẻ mồ côi.”  Cho đến khi nào tôi mới sống như một người có niềm tin, hay tôi cứ mãi là những người mang danh Kitô, nhưng lại sống như người vô thần?  Cho đến khi nào tôi mới cầu nguyện với tất cả niềm tin và sống như những gì tôi cầu nguyện?  Tôi muốn lấy lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay làm niềm vui trong ngày đầu năm, làm sự bình an trong cả năm mới này.  Tôi nhẩm đi nghĩ lại những lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay để được thanh thoát, buông bỏ mọi lo lắng đang làm bận lòng tôi, và để chúng không làm cho cả năm mới này thành những bước đi nặng nề.

2.     Lưu ý, Chúa Giêsu dạy tôi đừng lo lắng, chứ không bảo tôi đừng quan tâm.  Chúa Giêsu không bảo tôi bất cần (careless), sống vô trách nhiệm, nhưng phải biết quan tâm, đầy trách nhiệm, và phải biết đặt ưu tiên cho những gì tôi cần phải quan tâm trước nhất: Nước Thiên Chúa.  Gary E. Gilley nói về lo lắng như sau: “Lo lắng cho phép các vấn đề và đau khổ chen vào tương quan giữa chúng ta và tình thương của Chúa.  Nó như cho rằng, Chúa đã mất kiểm soát tình thế và chúng ta không thể tin cậy ở Ngài.  Trong khi đó, quan tâm chính là đáng thúc ép chúng ta đến gần tình thương của Chúa hơn và khiến chúng ta ngày càng trông cậy và tin cậy Ngài nhiều hơn.”  Quan tâm và lo lắng khác nhau.  Quan tâm là tập trung vào từng vấn đề một, có thực, đang xảy ra trước mắt, để đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề đó, một cách cụ thể, và sau khi đã làm với tất cả nỗ lực của mình, tôi phó thác vấn đề trong sự quan phòng của Chúa.  Trong khi đó, lo lắng là tưởng nghĩ về những vấn đề sẽ xảy ra một cách chung chung, bị ức chế luẩn quẩn trong những vấn đề đang lo nghĩ, khiến cho vấn đề đã phức tạp lại càng phức tạp hơn, thậm chí lại làm phát sinh ra nhiều vấn đề hơn.  Cuối cùng, lo lắng chỉ dựa vào sự khôn ngoan và nỗ lực của tôi và người phàm, nhưng không dựa vào Chúa.  Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và xin cho được bình an, buông bỏ những lo lắng trong ngày đầu năm và cả năm mới này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Lo Gì,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UygBhv6zqAg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 30, 2022

Thứ Hai Tuần IV Thường Niên – Năm C –31-1-2022

Thu Hai IV TN

Mác-cô 5:1-17 

1Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm.  Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người7 và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?  Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!" 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!" 9 Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?"  Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia." 13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm.  Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

 (Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm là câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người tại Ghê-ra-sa, vùng đất của dân ngoại.  Mác-cô tả là người bị quỷ ám này đã phải sống giữa các mồ mả, bãi tha ma.  Anh ta mạnh mẽ đến mức mọi xiềng xích trói anh ta đều bị anh ta bẻ gẫy.  Chi tiết này đủ để thấy anh ta đau khổ, quằn quại kinh khủng đến mức nào.  Sự dằn vặt, đau khổ đã phát thành những tiếng gầm thét, tựa như một con thú, chắc chắn dân làng ai cũng khiếp sợ, nhưng chẳng làm gì được để cứu anh ta.  Tin đồn về Chúa Giêsu có khả năng trừ quỷ, chắc cũng đã đến tai người dân và người bị quỷ ám.  Nên khi Chúa Giêsu vừa ra khỏi thuyền, người bị quỷ ám đã vội tìm gặp Ngài.  Giờ cầu nguyện này, tôi có thể hình dung cảnh anh ta ở bãi tha ma, đêm ngày tru trếu thống thiết vì đau khổ như thế nào.  Tôi muốn bắt chước Chúa Giêsu, huấn luyện trái tim tôi, biết trở nên nhạy bén trước những đau khổ của những người xung quanh, để cảm thông, để yêu thương và an ủi.

2.      Chúa Giêsu đã thương cảm, chữa cho anh ta khỏi bị quỷ ám.  Tuy nhiên việc làm Chúa Giêsu có vẻ kỳ cục.  Quỷ xin Chúa Giêsu cho chúng được nhập vào đàn heo gần đó và chúng đã làm cho cả đàn heo hai ngàn con lao xuống biển chết.  Khi dân làng gặp Chúa Giêsu và người được Ngài trừ quỷ cho, họ phát sợ và muốn Ngài rời khỏi làng của họ.  Hôm nay đã hai ngàn năm sau câu chuyện xảy ra, vì thế tôi không thể kiểm chứng được sự kiện thực hư như thế nào.  Điều tôi biết, chỉ dựa vào bản văn của Mác-cô.  Có lẽ điều tôi cần hỏi là, tại sao Mác-cô viết chi tiết này, ngài có ý gì và nó giúp gì cho tôi ngày hôm nay?  Nên nhớ, dân chúng bất lực trước người làng của họ bị quỷ ám, như vậy được Chúa Giêsu chữa họ phải vui mừng và cám ơn Ngài chứ.  Nhưng, không!  Họ muốn Ngài rời xa họ!  Có thể vì sự hiện diện của Chúa Giêsu mà họ phải thiệt mất một số tiền khổng lồ, hai ngàn con heo.  Họ đã coi mạng sống con người không bằng bầy heo!  Họ đã không trân quý sự hiện diện của Chúa Giêsu, họ thấy sự có mặt của Ngài là một sự phiền hà!  Có khi nào câu chuyện này cũng đang lập lại trong thế giới hôm nay, trong cộng đoàn và gia đình tôi không?  Một con thú cưng bị xe cán chết, người người viết thư thăm hỏi, an ủi; nhưng, cả triệu thai nhi bị phá, hằng triệu người phải đói ăn mỗi ngày, tôi hoặc cộng đoàn tôi chẳng mấy khi quan tâm!  Có bao giờ tôi thấy là Kitô hữu, có Chúa là một thiệt thòi, là một phiền toái hết sức, chỉ muốn mời Ngài ra khỏi đời sống tôi, hoặc muốn làm ngơ Ngài?  Bởi có Ngài thì tôi không được ăn gian nói dối được, không được thờ thần này thần kia cho phát tài, không được bói toán, không được trôm cắp, không được tham nhũng, không được ly dị, không được chồng nọ vợ kia, không được ngủ nướng, không được vô luân…!  Tôi có thầm mong, thà bị quỷ ám còn hơn biết Chúa, thà là vô thần còn hơn là Kitô hữu?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 29, 2022

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên – Năm C –30-1-2022

CN IV TN 

1 Cô-rin-tô 12:31-13:13

12/31 Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất.  Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. 13/1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được.  Ơn nói tiên tri ư?  Cũng chỉ nhất thời.  Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. 11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

(Trích Thư Cô-rin-cô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật đẹp.  Thánh Phao-lô chỉ cho tôi cách cầu nguyện, đâu là điều cần thiết và quan trọng nhất tôi nên xin mỗi khi cầu nguyện, đó là: lòng mến.  Có khi nào, hay tôi có thường cầu nguyện như Thánh Phao-lô đề nghị không?  Tôi thường làm gì và xin gì trong các giờ cầu nguyện?  Tôi thử cầu nguyện như Thánh Phao-lô đề nghị xem, như: Lạy Chúa xin dạy cho con biết yêu, yêu Chúa trên hết, để con có sức mạnh yêu được người con đang khó yêu trong lúc này.  Lạy Chúa xin cho con trái tim biết yêu thương, chỉ biết khát khao tình yêu của Chúa, để cuộc đời con là một dòng chảy của yêu thương, để bất cứ ai gặp con thì họ cũng gặp được tình yêu của Chúa.  Tôi để ý xem lời nguyện này trở thành hiện thực như thế nào trong ngày sống của tôi. 

2.     Tôi đọc lại toàn bộ bài đọc trên của Thánh Phao-lô, đặc biệt tôi nhai đi ngẫm lại định nghĩa về yêu của ngài.  Thánh Phao-lô không chỉ dạy tôi cầu nguyện xin điều gì quan trọng nhất, ngài còn dạy tôi tình yêu là gì và phải yêu như thế nào: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.  Đức mến không bao giờ mất được.”  Tôi để cho câu này vang lên trong cả ngày sống của tôi, hướng dẫn mọi lời nói và việc làm của tôi.  Tôi có thể viết câu này trên tường, để trên bàn, dán trên xe để nhắc nhở tôi trong mọi lúc: thế nào là yêu và yêu như thế nào.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 28, 2022

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Năm C –29-1-2022

 Thu Bay III TN

Mác-cô 4:35-41

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi!  Câm đi!"  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế?  Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"  

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được viết sau biến cố thực nhiều năm.  Như vậy bài đọc không nhằm để tả về biến cố các môn đệ hoảng hốt trước cuồng phong trên biển và được Chúa Giêsu làm phép lạ khiến biển lặng như tờ, nhưng có một ẩn ý sâu hơn.  Trong Kinh Thánh, con thuyền thường được dùng để ám chỉ về đời sống của Giáo hội, sóng gió là những cuộc bách hại đạo, khiến các lãnh đạo, hay đúng hơn các Kitô hữu hoảng loạn.  Họ cảm thấy như Chúa chẳng quan tâm gì đến đau khổ mà họ đang phải chịu, Chúa cứ ngủ thôi!  Cho đến khi họ kêu cầu Chúa, Ngài thức dậy và dẹp tan cuồng phong.  Như vậy, Mác-cô muốn tôi đọc bản văn này như thế nào?  Những bắt bớ và đàn áp đạo xảy ra ở mọi thời, mọi nơi, nay chỗ này mai chỗ khác, là một thực tế hiển nhiên như cuồng phong luôn luôn xuất hiện trên biển cả, nay mạnh mai yếu, nay chỗ này mai chỗ khác.  Chẳng phải là ngày hôm nay mới có những cuộc bách hại đạo chỗ này chỗ kia trên thế giới, những cuộc khủng hoảng trong lòng Giáo hội, những thánh đố sống đức tin trong các gia đình và xứ đạo, nhưng chúng luôn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời.  Điều đáng chú ý trong bài đọc hôm nay đó là, Chúa đang hiện diện trên thuyền với họ, thế mà họ vẫn không an tâm.  Họ không an tâm là vì họ cảm thấy cầu nguyện làm chi, chẳng có chuyện gì xảy ra đâu; Chúa có quan tâm đâu, Chúa chỉ có lo ngủ thôi!  Vì thế, họ vất vả chèo chống, rốt cục chẳng ăn thua gì thua gì, cho đến cuối cùng mới kêu cầu Chúa.  Lúc đó, biển mới yên sóng mới lặng, ý nói tâm hồn họ được bình an.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn nhìn vào đời sống của Giáo hội xem, đang có những khủng hoảng và cuồng phong nào?  Tôi có cầu nguyện cho Giáo hội mỗi ngày không?  Tôi thấy Chúa quan tâm không?  Đặc biệt, tôi có quan tâm không?  Tôi đã làm những gì cụ thể để giúp Giáo hội bớt đi những cuồng phong hoặc chống chọi với những cơn cuồng phong?  Có thể tôi đã cầu nguyện, nhưng chẳng tin lắm?  Có thể tôi đã cầu nguyện, nhưng chẳng làm gì cụ thể sau khi cầu nguyện?  Để mặc kệ Chúa!  Có thể tôi cũng đang chèo chống, nhưng không cùng nhịp và cùng hướng chèo với Chúa và với Giáo hội, mỗi người chèo mỗi hướng, làm cho con thuyền Giáo hội càng đảo điên hơn.  Tôi ngồi bên Chúa trong giây phút này và để ý Chúa đang làm việc hết mình như thế nào để giữ cho Giáo hội được bình yên, còn tôi thì đang giúp Chúa như thế nào?   

2.     Hôm nay cũng là những ngày cuối năm Âm lịch.  Tôi cũng muốn nhìn lại cả một năm qua.  Đời sống của tôi, gia đình và cộng đoàn của tôi có những cuồng phong nào?  Tôi đã làm gì những lúc ấy?  Chèo chống một mình hay gọi Chúa cùng chèo chung?  Tôi đi lễ rước Chúa vào lòng, Ngài luôn ở trong lòng tôi, ở trên thuyền của tôi, ấy vậy mà tôi có gọi Chúa giúp, hay tôi chẳng tin gì việc cậy nhờ Chúa?  Tôi cho rằng Chúa chẳng quan tâm, nên chỉ dựa vào sức riêng của tôi?  Mọi người trong gia đình và cộng đoàn có cùng chèo một hướng, một nhịp hay mỗi người mỗi hướng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 27, 2022

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên – Năm C –28-1-2022 - Lễ Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Sau III TN 

Mát-thêu 23:8-12

8Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Carl G. Jung (1875-1955), một nhà tâm thần học người Thụy Sĩ, rất nổi tiếng thế giới.  Ông cũng là cha đẻ của ngành phân tâm học.  Những nghiên cứu của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm thần, tâm lý, nhân chủng, khảo cổ, văn chương, triết và tôn giáo học.  Có lần ông nhận xét, “Nhiều người hay xét đoán là do họ làm biếng suy nghĩ.”  Đúng như vậy!  Nhận xét của ông cũng rất đúng khi áp dụng vào bài đọc hôm nay của Chúa Giêsu, bởi nhiều người chỉ thích hiểu những gì Ngài nói theo nghĩa đen để bắt bẻ và lên án các Kitô hữu.  Đã có nhiều người dựa vào bài đọc hôm nay để khẳng định: Chúa Giêsu đã từng nói, đừng gọi ai dưới đất là “cha” vì các con chỉ có một “Cha” Đấng ngự trên trời, còn tất cả mọi người đều là anh em với nhau; ấy vậy mà, mấy người Công giáo lại gọi các linh mục là cha!  Không thể hiểu những gì Chúa Giêsu nói trong đoạn này theo nghĩa đen được; bởi như vậy, tôi phải nói như thế nào về cách gọi của người dân miền nam Việt Nam, khi họ vẫn gọi ba của họ là “cha”, và trong phần nhiều giấy tờ khai báo bằng tiếng Việt cũng như tiếng Mỹ đều có câu: Họ và tên Cha, vậy phần này mọi người đều điền tên của Chúa Cha hay sao?  Điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay phải hiểu theo nghĩa bóng, đó là: Đừng phủ phục trước bất cứ ai và coi người ấy như là Thầy, là Cha ngang hàng với Thiên Chúa; cũng phải cẩn thận với những con người hách dịch muốn làm kẻ cả, làm cha thiên hạ, bởi chỉ có một mình Thiên Chúa là Cha và là Thầy đích thực trong cuộc đời này, còn mọi người đều là anh chị em với nhau.  Tôi có thấy lời dạy của Chúa Giêsu là một giải thoát cho tôi?  Tôi không phải luồn cúi bất cứ ai, không phải tôn họ như thần thánh, nhưng chỉ một mình Chúa mà thôi.  Có khi nào tôi đã tôn và phục dịch ai ngang hàng với Thiên Chúa chưa?  Công việc, tiền bạc, lòng tự ái, tính kiêu căng, sự hận thù, tính tham lam, một người nào đó, hay một minh tinh nào đó chẳng hạn?  Tôi để ý cái nào và ai đang làm thầy và làm chúa của tôi, chiếm hết đời sống, sức lực và thời giờ của tôi, còn Chúa chỉ được là hàng thứ yếu, đứng cuối danh sách những gì tôi lưu tâm trong ngày?  Tôi lắng nghe cho kỹ, Chúa đang muốn nói gì và đang muốn giải thoát tôi như thế nào.  

2.     Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho tôi một khuân mẫu của một người lãnh đạo đích thực của Chúa, đó là: Phục vụ, “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.  Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”  Ngạn ngữ Trung Hoa cũng có câu: “Hãy như cây tre, càng cao bao nhiêu thì càng phải cúi sâu bấy nhiêu.”  Tôi muốn lấy lời Chúa Giêsu dạy và ngạn ngữ Trung Hoa để nhắc nhở tôi trong mọi ngày sống.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 26, 2022

Thứ Năm Tuần III Thường Niên – Năm C –27-1-2022

Thu Nam III TN

Mác-cô 4:21-25

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?  Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? 22 Vì chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng. 23 Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

24Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe.  Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. 25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cũng cùng chủ đề với những bài đọc của mấy ngày qua về vai trò của Kitô hữu giữa đời.  Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý chính: thứ nhất, Chúa Giêsu đề cao vai trò đèn sáng của đời sống Kitô hữu, như là mục đích cho sự hiện hữu của họ trong cuộc đời này.  Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến tôi phải suy nghĩ nghiêm túc về sự hiện hữu của tôi trong mọi hoàn cảnh sống của tôi hôm nay, từ gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ và xã hội: Chẳng lẽ Chúa dựng tôi nên trong cuộc đời này như một chiếc đèn sáng, để rồi Ngài chỉ bỏ tôi ở dưới gầm giường, một nơi không cần thiết sao?  Trái lại, Ngài đặt tôi lên giá cao trong gia đình, trong cộng đoàn xứ đạo, và trong môi trường xã hội để mọi người có thể hưởng nhờ ánh sáng của tôi.  Tôi có thể nhìn lại đời sống của tôi bao lâu nay đã tỏa sáng như thế nào ở mọi nơi tôi hiện diện?  Tôi để ý Chúa vui hay buồn như thế nào về những nỗ lực tỏa sáng của tôi?  Mọi người quanh tôi hạnh phúc hay đang bị thiệt thòi ra sao trước sự hiện diện của tôi?  Có điều gì tôi muốn nói với Chúa lúc này không? 

2.     Thứ hai, Chúa Giêsu lưu ý tôi về tương quan giữa tôi với tha nhân và với Ngài.  Nhiều người có cái hiểu sai về phần hai của bài đọc hôm nay rằng, tôi đong đấu nào thì Chúa sẽ đong lại cho tôi bằng đấu ấy, có nghĩa là, nếu tôi quảng đại với Chúa thì Ngài sẽ quảng đại lại với tôi, nếu tôi hẹp hòi với Chúa thì Ngài cũng sẽ hẹp hòi lại với tôi.  Bài đọc hôm nay đâu có ý nói như vậy!  Chúa đâu có muốn thua đủ với tôi, đến nhỏ mọn như vậy!  Trái lại, nếu tôi đong đấu nào với anh chị em xung quanh, Thiên Chúa sẽ cho tôi còn hơn những gì tôi cho tha nhân nữa.  Như vậy, Thiên Chúa chẳng nhận được gì từ tôi, nhưng lại luôn để ý xem tôi đã tốt với tha nhân như thế nào, Ngài sẽ bù đắp cho tôi hơn tất cả những gì tôi đã cho đi, đến mức không tưởng được, chẳng bao giờ để tôi thiệt thòi.  Thậm chí, ngay cả khi tôi hẹp hòi với tha nhân, Chúa vẫn rộng lượng với tôi đến không ngờ.  Tôi có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm của tôi trong quá khứ.  Tôi có tin điều Chúa Giêsu nói không?  Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chỉ nói đến sự giúp đỡ về tài chánh, nhưng là tất cả mọi nhu cầu của tha nhân: tiền bạc, thời giờ, tài năng, tình thương, sự quan tâm, sự lắng nghe, sự cảm thông...  Tôi dám quảng đại với những ai đang cần tôi như thế nào?  Họ đang có những nhu cầu nào?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng Lời Kinh Quảng Đại của Thánh Inhaxio Loyola, qua đường dẫn sau, như để định hướng từng ngày sống của tôi: https://www.youtube.com/watch?v=4DqhSl8UygM

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 25, 2022

Thứ Tư Tuần III Thường Niên – Năm C –26-1-2022 – Lễ Thánh Timothy và Titus

Thu Tu III TN

Luca 10:1-9

1Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.  Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dễ bị hiểu lầm là chỉ dành cho những người muốn đi tu, nhưng thực sự những lời dạy này rất gắn liền với đời sống của mọi Kitô hữu.  Sau khi các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu một thời gian, Ngài sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, cứ từng hai người một, đến những nơi mà Ngài sẽ đến, rao giảng điều Ngài muốn họ rao giảng, và sống điều Ngài muốn họ sống.  Đúng như lời Chúa Giêsu nói, “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”  Lúa ở vào thời nào cũng đầy đồng, mà thợ gặt thì ít thật; thậm chí, càng ngày càng ít.  Bởi, ở đâu và thời đại nào người ta cũng trông chờ những chứng nhân đức tin, những gương sáng đức tin, những tấm lòng nhân ái, những trái tim rộng mở biết lắng nghe và đầy yêu thương.  Chỉ có những cuộc đời như vậy mới có sức hấp dẫn con người ở mọi thời đại; đặc biệt là thời đại hôm nay khi mà, lối sống tiêu thụ và vật chất đang thu hút và hấp dẫn con người rất mạnh.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể hỏi: Đâu là những đồng lúa chín mà Chúa đang chờ tôi đi gặt cho Ngài?  Tôi sẽ gặt lúa như thế nào?  Có thể bao lâu nay tôi là thợ gặt của Chúa, nhưng lại là một gánh nặng của mọi người?  Tôi phục vụ Chúa một, nhưng cả chục, cả trăm người phải khốn khổ vì tôi?  Tôi giữ lề luật nghiêm ngặt, trông rất thánh thiện, nhưng biết bao nhiêu người quanh tôi phải khổ vì tôi, bị tôi “chém đầu”?  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong giây phút này để được Chúa Giêsu dạy bảo.    

2.      Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.  72, có thể hiểu là 7+2=9, một con số chỉ sự hoàn hảo và bao trùm tất cả trong văn hóa Do-thái; điều này có nghĩa là, tất cả mọi Kitô hữu đều được Chúa Giêsu sai đi.  Chắc chắn, tôi cũng được Chúa Giêsu sai đi gặt lúa trong hoàn cảnh của tôi hôm nay.  Chắc chắn, cách gặt đúng nhất và hiệu quả nhất, đó là: cầu nguyện mỗi ngày, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong mọi lúc.  Nếu Chúa là tình yêu, tôi đã gặp Ngài và muốn giới thiệu Ngài cho mọi người, tôi cũng phải là một con người đầy yêu thương.  Nếu Chúa là niềm vui, tôi đã gặp Ngài, mọi người cũng gặp thấy tôi là một con người tràn ngập niềm vui.  Nếu Chúa là hy vọng, tôi đã gặp Ngài, tôi sẽ chỉ gieo niềm hy vọng cho mọi người bằng lời nói và hành động cụ thể.  Nếu Chúa là bình an, tôi đã gặp Ngài, mọi người gặp tôi cũng được trào tràn an bình.  Nếu Chúa là sự chữa lành, tôi đã gặp Ngài, mọi người gặp tôi cũng phải cảm thấy được chữa lành thực sự.  Nếu Chúa là sức mạnh và sự giải thoát, tôi đã gặp Ngài, mọi người gặp tôi cũng cảm thấy mạnh mẽ và được giải thoát.  Ngày hôm nay, tôi nguyện sẽ đi gặt trong yêu thương, bình an, hòa hợp, hy vọng, vui tươi, thanh thoát và đầy sự chữa lành, như lời Chúa Giêsu dạy và như lời nguyện ước của Thánh Phanxico Assisi năm xưa, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qyV9WG8qzC0

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 24, 2022

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Năm C –25-1-2022 – Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại

Thu Ba III TN

Tông Đồ Công Vụ 22:3-16

3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.  Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, 5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi.  Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.

6“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’  Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

12“Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy lại đi!’ Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa?  Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện rất nổi tiếng trong Tân Ước: “Phao-lô Ngã Ngựa”.  Dù truyền thống vẫn gọi vậy, nhưng trong câu chuyện không nói là ông đang cưỡi ngựa.  Có lẽ cách gọi này gắn liền với ngựa bởi ngựa thường được dùng làm phương tiện di chuyển thời bấy giờ nên người ta cho rằng, Phao-lô đang cưỡi ngựa trên đường đi Đa-mát thì biến cố này xảy ra.  Nhưng phải nói rằng, tên gọi hay nhất cho câu chuyện này là: “Phao-lô Trở Lại”, và tên gọi đúng nhất cho câu chuyện này mà chính Phao-lô đã đặt cho nó, đó là: “Thị Kiến Bởi Trời” (Cv 26:19).  Dù với tên gọi nào, đây là một kinh nghiệm rất ấn tượng đối với Phao-lô, bởi nó đã thay đổi ông hoàn toàn.  Chính ông cũng đã hay kể lại biến cố này, ít là ba lần trong TĐCV: 9:1-19; 22:3-16; 26:1-23.  Phao-lô là một người thuộc trường phái khắc kỷ, giữ luật Chúa nghiêm ngặt đến cuồng tín.  Lối sống ấy đã khiến ông trở thành một con người có một cái nhìn rất nhỏ hẹp, cứng ngắc, không còn chỗ cho Chúa tác động; để rồi, thay vì phụng sự Thiên Chúa, ông trở thành người chống đối Thiên Chúa mạnh mẽ nhất.  Ở thời đại nào cũng vẫn còn những con người cũ của Phao-lô.  Chẳng hạn những người Công giáo đang đi ngược lại với đường lối cải cách của Công đồng Vatican II.  Họ muốn Giáo hội phải làm lễ bằng tiếng La-tinh, một ngôn ngữ chết, thậm chí là một ngôn ngữ đã dùng để giết Chúa Giêsu, muốn chủ tế quay lưng lại với giáo dân biến Giáo hội của Chúa Kitô thành Giáo hội của Mô-sê, và Giáo hội thành một tập thể văn hóa giáo sĩ trị coi thường giáo dân.  Có khi nào tôi cũng giống như Phao-lô cũ?  Tôi say mê đạo Chúa, nhiệt tâm giữ luật đến mù quáng, đến mức tôn thờ lề luật chứ không tôn thờ Chúa, phụng sự lề luật chứ không phụng sự con người?  Tôi đọc lại câu chuyện Phao-lô để tôi được thấy và sống đúng hơn trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, để tôi dám ở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động và để giúp Giáo hội thích ứng với những biến chuyển của thời đại, nhằm phục vụ cho nhiều người, hơn là khép kín, hơn là biến Giáo hội trở thành đặc quyền của một nhóm người.

2.      Cuộc “Ngã Ngựa” của Phao-lô là một biến cố đổi đời, nhờ ông đã đặt đúng câu hỏi cho chính mình: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”  Đâu là những cuộc “ngã ngựa” trong cuộc đời của tôi?  Đó có thể là những lần thất bại trong cuộc đời như: thi rớt, thất nghiệp, tai nạn, bệnh tật, người thân từ trần, gia đình li tán.  Tôi đã phản ứng như thế nào những lúc ấy?  Tôi đã đặt câu hỏi gì những lúc ấy?  Những cuộc ngã ngựa ấy đã thay đổi tôi như thế nào, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, dẫn tôi đến gần Chúa hay đẩy tôi xa Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi cũng có thể nói chuyện với Phao-lô trong lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 23, 2022

Thứ Hai Tuần III Thường Niên – Năm C –24-1-2022 – Lễ Thánh Francis de Sales, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Hai III TN

Mác-cô 3:22-30

22Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. 28 “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay vẫn còn mang âm hưởng từ các bài của mấy ngày qua, đó là: danh tiếng Chúa Giêsu đang ngày một vang xa hơn và người ta từ khắp phương đang tuôn đến với Ngài.  Đến nỗi, trong bài đọc hôm nay, các chức trách của giáo hội Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đã phải xuống điều tra.  Sự nổi tiếng của Chúa Giêsu là một đe dọa lớn đối với các tư tế và Pha-ri-sêu, bởi, Ngài đang hấp dẫn nhiều người đi theo.  Người ta thấy những lời Chúa Giêsu giảng đầy quyền uy và rất khác với những gì họ được dạy từ bao lâu nay.  Những việc Ngài làm cũng rất nhiệm mầu và lạ lùng.  Như vậy sự nổi tiếng của Chúa Giêsu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những lợi lộc của đền thờ và của các tư tế.  Điều này cho thấy, Chúa Giêsu bắt đầu gặp khó khăn với các giới chức trong giáo hội Do-thái.  Hơn 300 năm trước Chúa giáng sinh, triết gia Aristotle của Hy-lạp đã nói về cách thức đối diện với chỉ trích như sau: “Chỉ có một cách để tránh mọi chỉ trích, đó là: không làm gì, không nói gì và không là gì” (There is only one way to avoid criticism: do nothing, say nothing and be nothing).  Nói như vậy, chỉ trích là một điều hiển nhiên và rất thường xảy ra với mọi người, dù tôi có tốt hay xấu đến mấy đi nữa.  Đúng là: miệng thiên hạ!  Nhưng, nếu vì sợ chỉ trích mà tôi chẳng làm gì, chẳng cống hiến cho đời, tôi là một người hèn nhát, tệ hơn nhữa là một người ích kỷ, thậm chí không còn là một Kitô hữu nữa.  Có khi nào tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như Chúa Giêsu, mỗi khi lo chuyện thiên hạ, chuyện cộng đoàn giáo xứ?  Tôi phản ứng và có thái độ như thế nào mỗi khi làm việc bác ái và giúp người mà bị chống đối, hiểu lầm và bị gièm pha?  Tôi ngắm nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu để được an ủi.  Bởi, tôi có tốt hơn Chúa Giêsu đâu mà mong sẽ không bị chỉ trích khi dấn thân?  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này để được nâng đỡ và chữa lành, trước những chỉ trích và nói hành nói xấu của những người xung quanh.   

2.      Trong bài đọc hai ngày trước, Chúa Giêsu bị chính những người nhà chống đối.  Họ nói Ngài bị điên.  Bài đọc hôm nay, những kinh sư của đền thờ Giê-ru-sa-lem nói: Chúa Giêsu bị quỷ ám và thờ quỷ Bê-en-dê-bun.  Tôi nghĩ sao về những lời gièm pha và sự cứng lòng tin của những người thời Chúa Giêsu?  Người ngày nay có còn chỉ trích và không tin vào Chúa Giêsu, dù đã chứng kiến bao nhiêu việc Ngài đã làm vì yêu, đến mức chết trên thập giá?  Chúa Giêsu nói: “Mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người.  Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”  Điều này không có nghĩa là tình thương của Thiên Chúa có giới hạn mà là, Ngài không thể làm gì hơn trước sự cứng lòng của tôi. Cho dù Chúa Thánh Thần đã làm đủ mọi cách để mạc khải cho tôi về tình yêu ấy, tôi vẫn không tin, vẫn chối từ và vẫn cố chấp.  Như vậy, không phải là Chúa đánh phạt tôi, mà là chính tôi không muốn tha thứ cho tôi, không muốn đón nhận tình yêu của Chúa.  Trong giây phút này, tôi muốn chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu luôn dành cho tôi, đã chết vì yêu tôi.  Tôi mở lòng để cho tình yêu ấy tuôn trào trong tâm hồn tôi, rửa sạch mọi tội lỗi và chữa lành mọi vết thương trong tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ