Tông Đồ Công Vụ 17:22-29
22 Một hôm, đứng giữa Hội
đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng,
về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật
vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã
thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ,
thì tôi xin rao giảng cho quý vị.
24 “Thiên Chúa, Đấng tạo
thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong
những đền do tay con người làm nên. 25 Người cũng không
cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người
ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. 26 Từ một
người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp
mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở
của họ. 27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ
dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng
ta. 28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử
động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc
dòng giống của Người.’
29 “Vậy, vì là dòng giống
Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do
nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay trình bày về một kinh nghiệm truyền giáo của Thánh
Phao-lô tại A-thê-na, Hy-lạp. Phao-lô
thấy người dân A-thê-na rất sùng đạo, nhưng họ lại không biết, không hiểu và
cũng chẳng có một tương quan mang tính cá vị với đấng mà họ tôn thờ. Những thần linh mà họ tôn thờ chỉ là những bức
tượng gỗ đá do chính họ tạo ra. Điều này
nhắc nhở tôi đến lời Thánh Vịnh, trong đó viết như thế này: “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do
tay người thế tạo thành. Có mắt có
miệng, không nhìn không nói; có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó; có hai chân, không
bước không đi. Từ cổ họng, không thốt ra
một tiếng” (Tv 113b: 4-7). Theo quan
sát của Phao-lô đối với dân A-thê-na là như vậy. Liệu Phao-lô có một chê trách nào về niềm tin
của tôi vào Thiên Chúa không? Tôi có
thật sự biết Thiên Chúa, có một tương quan mang tính cá vị với Ngài, đồng thời,
ý thức sự hiện diện của Ngài đang ảnh trong đời sống hằng ngày của tôi ra sao
không? Có khi nào tôi cầu nguyện mà chẳng
tin gì ở Chúa? Lý trí của tôi ở đâu
trong cách thể hiện niềm tin của tôi, hay tôi chỉ là một người cuồng tín, đầy mê
tín dị đoan? Tôi khấn với Chúa, mà chẳng
tin gì ở Ngài, rồi như để chắc ăn hơn, tôi vái tứ phương với đủ mọi niềm tin
đầy mê tín quanh tôi? Tôi đang có tâm
tình nào trước mặt Chúa, tôi muốn nói chuyện với Ngài?
2.
Bài giảng của Phao-lô
thật đẹp. Ông nhắc nhở người A-thê-na và
cũng là tôi hôm nay rằng: Thiên Chúa, Đấng duy nhất tạo thành trời đất, Ngài
không phải do con người tạo ra. Trái
lại, Ngài tạo ra tôi. Ngài đặt trong tôi
sự khao khát kiếm tìm chân lý và kết hiệp mật thiết với Ngài. Sự hiện hữu của Ngài làm nên sự hiện hữu của
tôi. Ngày nào tôi thật sự kết hiệp với Ngài,
ngày ấy tôi thật sự sống, cử động và hiện hữu.
Trong giây phút này tôi có thể đọc lại những lời trên của Phao-lô. Tôi ý thức sự hiện diện của Chúa thật sâu kín
trong tôi. Tu sĩ Keith McClellan, O.S.B.
nói thế này: “Cầu nguyện như thở. Hãy làm thật sâu bạn sẽ cảm thấy đầy tràn sức
sống.” Tôi hít vào thật sâu sinh khí và thần trí Chúa. Tôi thở ra tất cả sức sống và yêu thương của Ngài
cho cuộc đời. Tôi có thể kéo dài bài tập
này bao lâu có thể, để tôi cảm nhận sự sống của Chúa tràn đầy trong tôi, sự
bình an của Ngài thật sâu lắng trong tôi, và đức yêu thương của Ngài dẫn tôi
đến với mọi người xung quanh.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment