Friday, May 22, 2020

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm A – 23-5-2020


Thu Bay VI PS

Gioan 16:23b-24

23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.  Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)


Gợi ý cầu nguyện

1.  Bài đọc hôm nay có thể làm tôi nghĩ ngay rằng, Chúa Giêsu nói về cầu nguyện.  Đúng vậy.  Tuy nhiên, Ngài lại chẳng nói gì đến hai chữ “cầu nguyện,” nhưng chỉ nói chữ “xin.”  Hai chữ cầu nguyện có thể làm tôi nghĩ ngay đến việc đọc một bản kinh đã soạn sẵn từ sách, hoặc đã thuộc lòng.  Trong khi đó chữ “xin” làm cho tôi hướng đến một cuộc nói chuyện, trao đổi với Thiên Chúa.  Tôi xin, rồi chờ xem Chúa nghe tôi thế nào, và có cho điều tôi xin không.  Chúa Giêsu khuyến khích tôi xin cùng Chúa Cha, để niềm vui của tôi được nên trọn vẹn.  Như vậy Ngài muốn tôi xin gì?  Nên nhớ, trước khi Chúa Giêsu nói các môn đệ nên xin Chúa Cha thì họ đang trong tâm trạng buồn bã, hoang mang vì sắp phải xa Ngài; đồng thời, Ngài cũng cảnh báo về sự ghen ghét, bắt bớ và giết hại xẽ xảy đến trước nhất là cho Ngài, sau là họ.  Vì thế, như để chuẩn bị và trấn an trước khi những bắt bớ xảy đến, Chúa Giêsu nói rất nhiều về việc họ phải nên một với Ngài ở mức độ sâu đậm nhất như thân mình với chân tay, một tương quan mà Chúa Cha và Ngài luôn có.  Như vậy, điều Chúa Giêsu khuyến khích tôi xin, đó là được bình an.  Không có cách gì tôi được bình an cho bằng, được nên một với Chúa Cha.  Tôi có cần và khao khát ơn bình an của Chúa không?  Tôi có thể xin cùng Chúa Cha.  Tôi muốn xin cho được sự che chở bằng sự nên một với Ngài.    
2.  Phúc âm Gioan không có chữ “cầu nguyện,” chữ cầu nguyện trong Phúc âm Gioan là “ở lại.”  Như vậy, cầu nguyện còn là ở lại trong Thiên Chúa một cách sâu đậm nhất, và nên một như Chúa Cha trong Chúa Con và Chúa Con trong Chúa Cha, như Chúa Giêsu là cây nho và tôi là cành nho.  Điều này cũng có nghĩa là, khi tôi ở với Thiên Chúa trong mức độ sâu kín nhất thì việc cầu nguyện không còn bằng lời nữa; hay đúng hơn, mọi ngôn từ lúc này đều thừa thãi và què quặt, không có khả năng diễn thả hết tâm tình Chúa và tôi.  Tôi muốn đi vào tương quan thân mật này với Chúa ngay bây giờ.  Tôi muốn được rớt tỏm vào cung lòng Thiên Chúa, được Ngài ôm tôi trong lòng của Ngài và hôn tôi đến xẹp cả mũi.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment