Sunday, May 24, 2020

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 25-5-2020

Thu Hai VII Ps
Gioan 16:29-33
29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy.  Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình.  Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.  Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.  Nhưng can đảm lên!  Thầy đã thắng thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay có thể nói là một suy tư của cộng đoàn Gioan thời gian đầu của Giáo hội.  Nên nhớ, Phúc âm Gioan được viết khoảng năm 90, tức là gần 60 năm sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh.  Trải qua gần 60 năm nghiệm ngẫm những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã làm, cũng như nói về chính mình, giờ đây họ mới hiểu tất cả những điều ấy và công nhận rằng, Chúa Giêsu là Đấng từ Thiên Chúa mà đến.  Gioan viết là Chúa Giêsu nói, “Bây giờ anh em tin à?”  Câu hỏi này không phải là một lời trách móc, và có thể không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của cộng đoàn Gioan muốn nói rằng, cuối cùng họ đã nhận ra căn tính của Chúa Giêsu.  Việc nhìn nhận Chúa Giêsu đích thực là Đấng được Thiên Chúa sai đến là rất quan trọng.  Bởi nếu Chúa Giêsu không thực sự như vậy, các đau khổ và bắt bớ mà các Kitô hữu đang phải trải qua quả là vô nghĩa, và không có sức đi tới.  Có khi nào tôi đã nghiệm ngẫm về những gì Chúa Giêsu đã nói và làm chưa?  Tôi có biết Ngài là ai?  Sự nhận biết này có giúp tôi gắn bó với Thiên Chúa hơn không?  Sự nhận biết này có giúp tôi tìm thấy ý nghĩa của những đau khổ mà tôi đang phải chịu, hoặc có giúp tôi mạnh mẽ tiến tới trong cuộc sống này, hơn là co cụm lại chính mình? 
2.      Năm 90, tức thế kỷ I, là thời kỳ Giáo hội đang hình thành và cũng bị bách hại kinh hoàng nhất.  Vì thế, không một lời nào mạnh và cần thiết có thể an ủi các Kitô hữu lúc bấy giờ cho bằng, lời bình an.  Không một điều gì có thể giúp cho các Kitô hữu tiên khởi giữ vững đức tin cho bằng, cảm thấy Chúa Giêsu vẫn luôn ở với họ.  Không một điều gì làm cho các Kitô hữu tự hào và gắn bó với Chúa Giêsu cho bằng, nhận ra những đau khổ và bắt bớ mà họ đang phải chịu, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu.  Bởi thế, Phúc âm Gioan được hình thành là một điều rất cần thiết cho các cộng đoàn Kitô hữu những lúc bị bách hại, qua đó họ được nghe lại những lời yêu thương, quan tâm và chăm sóc của Chúa Giêsu đang nói với họ.  Chúa Giêsu nói, “Các con sẽ phải khốn khó.  Nhưng hãy can đảm lên!”  Tôi cảm thấy thế nào về lời cảnh báo và khích lệ này từ Chúa Giêsu?  Đời sống đức tin của tôi lúc này như thế nào?  Tôi có cần sự bình an, mối quan tâm và tình yêu của Chúa Giêsu, hầu giúp tôi vững tin và vững bước trước mọi khó khăn?  Tôi muốn tâm tình với Chúa Giêsu. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment