Saturday, May 23, 2020

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 24-5-2020 - Lễ Thăng Thiên


CN Than Thien

Mát-thêu 28:16-20

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Phúc âm Mát-thêu có một kiểu viết đầy tính biểu tượng, chẳng hạn: mỗi khi nói về cộng đoàn đức tin hay giáo hội, ngài hay dùng hình ảnh chiếc thuyền.  Khi nói về mạc khải của Chúa, ngài hay dùng hình ảnh núi.  Trong quan niệm của Do-thái giáo, núi là bệ đỡ cho vòm trời, là bệ chân của ngai Thiên Chúa, tức vòm trời.  Điều này tôi thấy rõ trong Cựu ước, mỗi khi Mô-sê và các tiên tri muốn gặp Chúa, họ đều lên núi.  Bài đọc hôm nay nói, các môn đệ đã lên trên núi và gặp Chúa Giêsu phục sinh.  Trên đó, Ngài đã mạc khải cho họ thấy quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ngài, và rồi Ngài sai các môn đệ đi loan truyền cho thế giới biết về quyền năng ấy.  Quyền năng ấy là gì?  Quyền năng ấy chính là tình yêu rất lớn lao của ba ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Hãy đi loan báo cho muôn dân và làm phép rửa nhân danh quyền năng này.  Bởi thế trong hai ngàn năm qua Giáo hội không ngừng mời gọi mọi người thực hành nhiệm vụ này: làm cho thế giới nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô điều kiện.  Bao lâu nay tôi đã sống và cảm nghiệm mầu nhiệm tình yêu của Chúa như thế nào?  Bao lâu nay tôi đã loan tin vui, tin mừng, tin cứu độ hay loan tin buồn, tin ác, tin trừng phạt?        
2.      Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, và câu cuối của bài đọc hôm nay rất đáng chú ý, khi Chúa Giêsu nói: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.  Như vậy dù mừng lễ Chúa Lên Trời, không có nghĩa là Chúa Giêsu bay lên trên trời xanh, bỏ lại tôi bơ vơ, nhưng vẫn ở cùng tôi mọi ngày cho đến tận thế.  Chúa Giêsu về trời là kết hiệp với Chúa Cha, nhưng Chúa Cha lại đang ở trong cung lòng sự sống của tôi.  Như vậy, Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên tôi và ở rất sâu trong tôi.  Nên để gặp Ngài, tôi không cần phải lên núi, nhưng vào trong nơi sâu kín nhất của tâm hồn tôi (Mt 6:6), nơi Ngài luôn hiện diện trong tôi mọi ngày cho đến tận thế.  Mát-thêu có một lối viết rất khéo.  Nếu Mát-thêu mở đầu phúc âm của ngài bằng một câu giới thiệu về Chúa Giêsu, Ngài là Đấng Immanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1:23), ngài kết thúc phúc âm cũng bằng một câu của Chúa Giêsu rằng, sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20).  Đây cũng là lời Chúa vẫn hứa xuyên suốt Kinh Thánh.  Mỗi khi Chúa chọn ai, Ngài luôn luôn hứa một điều: ở cùng họ.  Hai ngàn năm qua Giáo hội nhớ mãi lời hứa này, và luôn nhắc nhở và chúc cho nhau nhiều lần trong mọi Thánh lễ, khi chủ tế nói: Chúa ở cùng anh chị em!  Tôi ý thức và cảm thấy thế nào về lời hứa của Chúa Giêsu?  Tôi có thường xuyên trở về cung lòng của tôi để gặp Chúa Giêsu không?  Tôi đã gặp Chúa ở đâu trong ngày sống của tôi hôm nay?  Tôi đã nghe thấy Ngài hoặc cảm thấy sự nâng đỡ của Ngài như thế nào trong những khó khăn của ngày hôm nay?  Tôi muốn ý thức hơn và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn ở trong tôi, mỗi khi tôi nghe lời chúc của Giáo hội trong mọi Thánh Lễ tôi tham dự.  Tôi muốn trở về với lòng tôi để gặp gỡ Chúa Giêsu và tôn thờ Ngài, ngay trong giây phút này.         
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment