Wednesday, May 6, 2020

Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh – Năm A – 7-5-2020


Thu Nam IV PS

Gioan 13:16-20

16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu.  Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phúc âm Gioan bao gồm hai phần: Sách về Các Dấu Chỉ, trong đó tác giả chọn ra bảy dấu lạ mà Chúa Giêsu đã làm để chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu là chính Con Thiên Chúa, và Sách về Sự Vinh Quang, tức là phần nói về giờ đã định, Chúa Giêsu đi vào trong vinh quang bằng việc chịu chết để cứu chuộc nhân loại.  Bài đọc hôm nay là khởi đầu của việc Chúa Giêsu đi vào vinh quang với hành động: rửa chân cho các môn đệ.  Trong văn hóa Do-thái, rửa chân là một việc làm của đầy tớ đối với chủ.  Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa, vậy mà đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.  Đây là việc làm rất khiêm nhường đến lạ thường và phi thường.  Khi đã rửa chân xong, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ cũng nên rửa chân cho nhau.  Rửa chân có thể được hiểu theo nhiều cách, nhưng dù cách nào đi nữa đều có chung một điểm: khiêm nhường đến tột cùng trước người khác, đặc biệt những người thấp hèn hơn tôi.  Có bao giờ tôi thấy Chúa Giêsu cũng đã khiêm nhường phủ phục dưới chân tôi, van xin tôi khiêm nhường trước người khác, đặc biệt những người thua kém tôi, hoặc những người đã gây tổn thương cho tôi?  Chúa Giêsu nói với các môn đệ, nếu biết làm những điều rất thấp hèn đó thì phúc cho họ.  Đâu là cái phúc mà tôi đã lãnh nhận khi bắt chước Chúa Giêsu và lời dạy của Ngài? 
2.      Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”  Chúa Giêsu dường như chỉ cho tôi cách thức nhận biết Thiên Chúa trong đời sống.  Để mọi người nhận ra Chúa Giêsu, tôi cần sống những giá trị của Chúa Giêsu.  Một khi người ta nhận ra Chúa Giêsu trong tôi, họ cũng nhận ra Chúa Cha nữa.  Nhưng không một cách nào để người ta có thể nhận ra Chúa Giêsu nơi tôi cho bằng, đời sống phục vụ trong khiêm nhường.  Tuy nhiên, nhiều người lẫn lộn giữa khiêm nhường thật sự và khiêm nhường giả tạo.  Văn sĩ Kitô nổi tiếng người Anh, CS Lewis, có một nhận định rất đúng về khiêm nhường, ông nói: “Khiêm nhường không phải là nghĩ kém về mình mà là ít nghĩ về mình” (Humily is not thinking less of yourself but thinking of yourself less).  Khiêm nhường chính là nền tảng vững chắc của mọi nhân đức, là chìa khóa mở mọi cửa lòng, và là con đường ngắn nhất giúp tôi gặp Chúa.  Có bao giờ tôi đã gặp Chúa trong việc làm hay đời sống khiêm nhường của một ai chưa?  Có bao giờ người khác thấy tôi và cũng thấy Chúa, nhờ đời sống khiêm nhường của tôi?  Tôi có khó khăn lắm để khiêm nhường không?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu, Đấng đã rất khiêm nhường quỳ dưới chân tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment