Monday, May 4, 2020

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh – Năm A – 5-5-2020


Thu Ba IV PS

Tông Đồ Công Vụ 11:19-26

19 Hồi ấy, những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a.  Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. 20 Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. 21 Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.
22 Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi An-ti-ô-khi-a. 23 Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa. 24 Ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin.  Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.
25 Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô. 26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người.  Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể nói là một trang nhật ký quan trọng về thời kỳ khai sinh của Giáo hội.  Trong đó, tôi có thể nhìn thấy Giáo hội non nớt ấy lúc chào đời, đang cựa quậy và dẫy dụa trong những tiếng khóc và tiếng cười.  Đó chính là những tiếng khóc từ những cuộc bách đạo đầu tiên, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Đó cũng chính là những tiếng cười từ việc nhận ra Chúa Thánh Thần đang làm việc rất mạnh mẽ trong lòng các tín hữu.  Trước đây, do sự non nớt và yếu ớt, Giáo hội dường như chưa thực sự hiện hữu trong con mắt của mọi người.  Lúc ban đầu, mọi người đã không biết gọi đạo của những người theo Chúa Giêsu là đạo gì, họ chỉ biết gọi những người ấy là những người “Có Đạo - The Way” (Tđcv 9:2).  Mãi cho đến bài đọc hôm nay, tôi mới thấy Giáo hội như có “giấy khai sinh,” và được đặt tên hẳn hoi: Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.”  Trong giây phút này tôi muốn chiêm ngắm sự non nớt của Giáo hội đã được Chúa ẵm bế, bảo vệ và nuôi nấng như thế nào.

2.     Ngày hôm nay tôi có thể rất tự hào về sự lớn mạnh, cùng những ảnh hưởng rất lớn của Giáo hội đến nền văn minh nhân loại nói chung, đặc biệt nền văn minh Tây phương nói riêng.  Tuy nhiên, nếu tôi nhìn vào những trang sử của Giáo hội từ những ngày đầu tiên cho đến ngày hôm nay, đó lại là những trang sử của máu và nước mắt, khởi đi từ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, rồi đến cuộc tử đạo của Tê-pha-nô và muôn vàn các cuộc bách đạo sau đó, khiến các tín hữu phải tản mát khắp nơi.  Nói như vậy để thấy rằng, từ ban đầu Tin Mừng đã gặp rất nhiều chống đối, và sự thật dường như không phải khi nào cũng được hoan nghênh với vòng tay rộng mở.  Tôi có tin rằng thế giới luôn chối bỏ những giá trị của sự thật?  Hay tại tôi sợ bị chối từ và chế diễu?  Hoặc, tôi sợ trong tôi không có những cái cần thiết để mang tình yêu Chúa đến cho thế giới ngày nay?  Trong giây phút này tôi muốn nguyện ngẫm những dòng sử đầu tiên của Giáo hội, để nhận ra Chúa đã làm việc trong Giáo hội thế nào và mời gọi tôi tiếp tục công việc của Chúa ra sao.
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment