Tông Đồ Công Vụ 16:22-34
22 Hồi ấy, đám đông ở Phi-líp-phê nổi lên chống ông Phao-lô và ông
Xi-la. Các quan toà, sau khi đã cho lột
áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. 23 Khi đã đánh nhừ tử,
họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn
thận. 24 Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng
giam sâu nhất và cùm chân lại.
25 Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện
với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. 26 Bỗng
nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng
xích của mọi người buột tung ra. 27 Viên cai ngục choàng
dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các
người tù đã trốn đi. 28 Nhưng ông Phao-lô lớn tiếng bảo:
“Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!”
29 Viên cai ngục
bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phao-lô và ông
Xi-la, 30 rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài,
tôi phải làm gì để được cứu độ?” 31 Hai ông đáp: “Hãy tin
vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” 32 Hai
ông liền giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông
ấy. 33 Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai
ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất
cả người nhà. 34 Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn
ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin
Thiên Chúa.
Gợi ý cầu nguyện
1.
Câu chuyện truyền giáo và tù ngục của Phao-lô và Xi-la, trong bài đọc hôm
nay, có thể nhắc nhớ tôi về câu chuyện của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Cả hai câu chuyện này đều có điểm giống nhau,
đó là: sự biến đổi của những người cai ngục.
Giống như viên cai ngục canh giữ Phao-lô và Xi-la, cuối cùng đã xin nhận
phép rửa, một số người canh giữ Đức Cố Hồng Y Thuận mười ba năm biệt giam, từ
vô thần họ đã bị cảm thóa và trở thành những người tin theo Chúa. Điều gì đã khiến những người cai ngục năm xưa
và ngày nay thay đổi? Phải chăng đó là
đời sống của những tù nhân đức tin này? Vì
tin ở Chúa Giêsu nên họ đã không nao núng cũng chẳng sợ hãi, nhưng rất vui tươi,
an hòa, điềm tĩnh và không giữ lòng hận thù với những người đang giam giữ họ. Tôi có kinh nghiệm tù đày vì đức tin bao giờ
chưa? Tôi có kinh nghiệm tha thứ và điềm
tĩnh đối với những ai xúc phạm đến niềm tin của tôi bao giờ chưa? Tôi có tâm tình gì muốn nói với Chúa Giêsu, hoặc
những tù nhân đức tin trên, để học nơi các Ngài, để chuẩn bị cho những khó khăn
đức tin mà tôi có thể gặp trong tương lai?
2.
Câu chuyện truyền giáo của Phao-lô và Xi-la cũng giúp tôi liên tưởng đến những
cú điện thoại của những người làm quảng cáo mà đôi khi tôi nhận được. Xem màn ảnh hiển thị của điện thoại (caller ID), hoặc vừa biết đó là điện
thoại quảng cáo thế là, tôi cúp cái rụp!
Như vậy cuối ngày, sau khi vất vả gọi biết bao nhiêu số điện thoại, hầu
hết, họ chỉ nhận được những cú điện cúp ngang xương, những tiếng chối từ, thậm
chí cả những tiếng chửi nữa. Ấy vậy, họ
vẫn làm từ ngày này qua ngày khác! Tôi
có thể lý giải: họ làm vậy là vì ăn lương.
Dù ăn lương đi nữa, có lẽ tôi cũng chẳng muốn làm công việc này, vì mỗi
khi đêm về, còn lại trong tôi chỉ toàn những tiếng chửi và chối từ! Những nhà truyền giáo, như Phao-lô và Xi-la,
cũng bị đối xử tệ không kém. Họ bị xua
đuổi từ thành này qua thành khác, bị bắt bớ, đánh đập, dọa giết, mà cuối cùng
chẳng được một đồng lương nào, chẳng biết mỗi tối sẽ ngủ ở đâu và sẽ ăn gì
trong bữa kế tiếp. Ấy vậy mà các ngài
vẫn không bỏ cuộc, vẫn truyền giáo một cách vui vẻ và hăng say! Cái gì đã cho họ sức mạnh, lòng can đảm, sự
kiên trì và đức yêu thương trong việc truyền giáo? Phải chăng tình yêu với Chúa Giêsu đã thúc
bách họ? Tôi muốn xem đời sống truyền
giáo bao lâu nay của tôi như thế nào? Cầu
nguyện trước bữa ăn chỗ công cộng có đủ chứng minh tôi là người Công giáo? Phổ biến những thông tin chống phá thai đã đủ
cho tôi tự hào là người Công giáo nhiệt thành?
Đọc kinh rang rảng mỗi ngày, đi lễ mỗi tuần đã đủ cho tôi là một người Công
giáo đúng nghĩa? Thế còn, việc huấn
luyện những lương tâm Công giáo trưởng thành thì sao? Tức là, cổ võ phò sự sống không chỉ lúc còn
trong bào thai, nhưng còn cả một đời người sau khi sinh, và lúc chết nữa. Tức là, nỗ lực chống lại những bất công áp
bức, chống tham nhũng, chống nghèo đói, chống chiến tranh, chống án tử hình, chống
kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử, chống giết người già, chống hủy hoại môi
sinh... Tôi muốn ngắm nhìn cuộc đời của Chúa
Giêsu, của Phao-lô và Xi-la trong lúc này và để cuộc đời truyền giáo của các
ngài thúc bách tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment