Tông Đồ Công Vụ 18:1-8
1 Hồi ấy, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô. 2 Tại
đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a
đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi
người Do-thái phải rời Rô-ma. Ông
Phao-lô đến thăm hai ông bà, 3 và vì cùng nghề, nên ông ở
lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. 4 Mỗi
ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn
người Hy-lạp.
5 Khi ông Xi-la
và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long
trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng
Ki-tô. 6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo
mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ
đến với người ngoại.” 7 Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một
người tên là Ti-xi-ô Giút-tô. Ông này là
một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường. 8 Ông
Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô
giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay ghi nhận một hình ảnh thật đẹp về Phao-lô, một
vị mục tử, một nhà truyền giáo. Dù là lãnh đạo cộng đoàn, dù là một
nhà truyền giáo bận rộn, dù bị xua đuổi từ thành này qua thành khác vì Tin
Mừng, nhưng Phao-lô đã không để mình trở nên gánh nặng cho ai, nhưng đã tự kiếm
sống bằng công việc tay chân của mình. Tôi đã gặp hay đã nghe về một
nhà truyền giáo nào như vậy chưa? Lịch sử Giáo hội đã có biết bao
nhiêu nam nữ tu sĩ khác đã sống hết mình và chết với đoàn chiên của họ, mà tôi
có thể đã biết hoặc đã nghe về họ. Các nhà truyền giáo đã đến Việt
Nam, chẳng hạn như Đức cha Jean Cassaigne (Gioan Cát-sanh) người Pháp, đã phục
vụ tại trại cùi Di-linh, Lâm Đồng, và đã chết như một người cùi và với người
cùi Việt Nam. Các nhà truyền giáo đã đến Mỹ, chẳng hạn như Cha
Joseph de Veuster, người Bỉ, còn được biết với tên quen thuộc là, Cha Damien,
đã phục vụ những người cùi, và đã chết như một người cùi tại Molakai, Hawaii. Tôi
muốn tạ ơn Chúa vì những chứng nhân quanh tôi, đã sống và chết cho ơn gọi Tin
Mừng. Đời sống của Phao-lô và của các nhà truyền giáo trong Giáo hội
thôi thúc tôi thế nào về đời sống đức tin của tôi hôm nay? Tôi cũng
muốn cầu nguyện cho những nhà truyền giáo và những mục tử quanh tôi hôm nay. Xin
cho họ được giống Chúa Giêsu, hết mình vì đoàn chiên.
2.
Sau một tuần kiếm sống như mọi người, cuối tuần Phao-lô đã “hóa
thân” thành mục tử giữa các hội đường và cộng đoàn để rao giảng về Chúa Giêsu. Đời
sống không là gánh nặng cho ai, sự thông thái và lòng nhiệt huyết của Phao-lô
vì Tin Mừng, đã lôi kéo rất nhiều người tin theo Chúa Giêsu. Dù bị
chối từ chỗ này, không bỏ cuộc, Phao-lô đã đi đến những chỗ khác, tiếp tục rao
giảng về Chúa Giêsu. Sở dĩ Phao-lô và các nhà truyền giáo đã sống và làm
được như vậy là vì họ tìm thấy Tin Mừng mà họ rao giảng, cho họ sức sống và
niềm vui. Ngày nay, để rao giảng Tin
Mừng nước Thiên Chúa, trước nhất tôi phải cảm nhận Tin Mừng, không phải là tin
dữ, tin buồn, nhưng thực sự là tin vui, tin hy vọng, tin ấy đang cho tôi sức
sống, nhờ vậy chính cuộc đời tôi sẽ trở thành niềm vui với mọi
người. Tôi có thể làm gì để gọi là truyền giáo trong ngày hôm nay? Tôi
sẽ chọn thái độ sống nào để Tin Mừng được nhận biết qua từng ngày sống của tôi?
Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đẹp Thay,” của Mi Trần, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=aJvFxTctIH0
Phạm Đức Hạnh, SJ
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment