Saturday, May 2, 2020

Chúa Nhật Tuần IV Phục Sinh – Năm A – 3-5-2020


CN IV PS

Gioan 10:1-10

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.  2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa.  Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ.  Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Hình ảnh “chiên” và “mục tử” có thể rất xa lạ với đại đa số người Việt Nam.  Thế nhưng từ rất lâu, hai hình ảnh này đã rất gần gũi với mọi người dân sống ở vùng Lưỡng Hà Địa, (Mesopotamia).  Khoảng bảy ngàn năm trước Chúa giáng sinh, người dân vùng này đã không chỉ biết thuần hóa (domesticate) dê, bò, và heo, nhưng còn cả chiên nữa, để có lông làm áo ấm, có sữa và thịt làm thức ăn.  Chính vì thế mà, hai hình ảnh “chiên” và “mục tử” đã xuất hiện đến 600 lần trong hầu hết các sách của Kinh Thánh, với 490 lần trong Cựu ước và 110 lần trong Tân ước.  Chúa Giêsu sinh ra là một người Do-thái, nên hai hình ảnh này cũng rất gần gũi với Ngài.  Để giúp cho dân chúng dễ nắm bắt những gì Ngài giảng, Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh này rất nhiều trong các bài giảng của Ngài.  Bên cạnh đó, khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Ngài là “Chiên Thiên Chúa,” chính Ngài cũng tự gọi mình là “Mục Tử Nhân Lành,” như tôi thấy trong bài đọc hôm nay, và rồi cuối cùng, Ngài cũng mời gọi Phê-rô trở thành mục tử chăn dắt đàn chiên Giáo hội.  Chính vì thế mà Đức Giáo hoàng, các giám mục và các linh mục được gọi là những vị mục tử.  Như vậy hình ảnh “chiên” và “mục tử” không chỉ là hai hình ảnh gần gũi trong Cựu ước, nhưng còn rất nổi bật và thân thương trong Tân ước và Giáo hội ngày nay.  Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, dành đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi thánh hiến trong Giáo hội.  Trong khoảnh khắc này, tôi muốn cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều mục tử nhân lành, giống Chúa Giêsu, không sợ mang mùi phân và lấm láp của chiên, sẵn sàng chết vì đàn chiên.  Có bao giờ tôi đã gặp được những mục tử nào giống Chúa Giêsu không?  Họ là những ai: nam nữ tu sĩ, cha mẹ, thầy cô, bác sĩ, y tá, người lao công, bạn hữu?  Tôi cũng muốn cầu nguyện cho những vị mục tử này. 
2.      Sử sách kể rằng, những mục tử thời xa xưa thường không ngủ ở nhà, nhưng nằm ngáng ngay cửa chuồng chiên mà ngủ mỗi đêm, để canh giữ đàn chiên của họ khỏi đi lạc, hoặc khỏi bị thú dữ ăn thịt.  Chi tiết này có thể giúp tôi hiểu rõ hơn câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: “Tôi là cửa.  Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”  Tôi muốn ở lại với câu nói này của Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này, để cảm nghiệm thật sâu sự yêu thương và chăm sóc của Ngài dành cho tôi, đêm ngày.  Tôi cũng muốn xem lại: Tôi là con chiên nào trong đàn chiên của Chúa?  Tôi có phải là con chiên đang bị thương, hoặc lạc đàn?  Ngài đã băng bó vết thương cho tôi như thế nào?  Ngài đã vất vả tìm tôi cho bằng được, Ngài đã vác tôi trên vai, ôm tôi vào lòng của Ngài như thế nào?  Tôi cảm thấy sự yêu thương và hơi ấm của Ngài không?  Hãy để sự yêu thương và hơi ấm này chữa lành và an ủi tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Chúa Là Mục Tử,” của Bùi Ninh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=XIgZx5cAFGU   
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment