Friday, May 8, 2020

Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh – Năm A – 9-5-2020


Thu Bay IV PS

Gioan 14:7-14

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.  Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.  Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?  Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.  Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.  Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm qua Chúa Giêsu nói đến “nhà”, Ngài sẽ đi dọn chỗ cho tôi, rồi trở lại mang tôi đi, để Ngài ở đâu tôi cũng được ở đó với Ngài.  Hình ảnh này trong Phúc âm Gioan nghe thân thương như kiểu nói về tình vợ chồng trong tiếng Việt.  Khi người đàn ông và người đàn bà cưới nhau, người đàn ông không chỉ đem vợ về nhà mình, một không gian vật chất gọi là tổ ấm, nhưng họ còn biến cuộc đời của họ thành nhà của nhau.  Vì thế người Việt Nam ít giới thiệu với người khác, “Đây là vợ/chồng tôi,” nhưng thường nói, “Đây là nhà tôi!”  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu thêm một hình ảnh đầy thân thương và rất thân mật nữa: Tình Phụ Tử.  Có thể nói đây là một tình phụ tử hoàn hảo, hiếm thấy trong cuộc đời, cao hơn cả kiểu nói: “Cha nào con nấy” (Like father like son).  Tình phụ tử giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu rất sâu đậm, Ngài không chỉ trông giống Chúa Cha như đúc, như hình với bóng, nhưng còn nên một với Chúa Cha trong mọi cách nghĩ và việc làm, trong mọi lúc.  Chính vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.”  Nói một cách khác, ai đã gặp Chúa Giêsu, đương nhiên là gặp và biết Chúa Cha rồi.  Có khi nào tôi đã hỏi Chúa Giêsu như Phi-líp-phê đã hỏi Ngài không: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu sẽ trả lời tôi ra sao?  Tôi mãn nguyện với câu trả lời của Ngài không?  Tôi nói chuyện với Ngài.      
2.      Chúa Giêsu trả lời với Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?”  Chắc chắn câu hỏi “biết” này của Chúa Giêsu không có ý nói đến một cái biết kiểu lý lịch trích ngang như: tên gì, con cái nhà ai, làm nghề gì, chuyên môn và đào tạo ở đâu, kinh nghiệm làm việc ra sao…, nhưng Ngài muốn nói đến một cái biết rất thân mật, rất sâu đậm.  Cái biết thân mật mà Phúc âm Gioan luôn nhắc đến là một sự kết hợp nên một, hơn cả tình vợ chồng, một sự nên một giữa cây với cành.  Nếu tôi biết Chúa Giêsu đến mức này, chắc chắn tôi sẽ gặp Chúa Cha và biết rất rõ về Chúa Cha.  Bài đọc hôm nay kết thúc bằng lời khuyên của Chúa Giêsu, hãy tin và hãy xin nhân danh Ngài.  Có điều gì tôi cần xin trong lúc này quan trọng hơn cả việc được biết và nên một với Chúa Giêsu không?  Hãy xin cho được ơn này, mọi điều khác chắc chắn Ngài sẽ tự động cho mà không cần phải xin.  Hoặc, khi đã biết và nên một với Chúa Giêsu, chắc chắn mọi sự khác trong cuộc đời đều là thứ yếu, cũng có thể không cần thiết nữa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Xin Cho Con Biết Chúa,” của Lm. Ân Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=J70DnODZBoQ        
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment