Tông Đồ Công Vụ 18:9-11
9 Khi ông
Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, thì vào một đêm, Chúa bảo ông trong một thị kiến
rằng: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, 10 vì Thầy ở
với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành
này.” 11 Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời
Thiên Chúa.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Triều đại Giáo hoàng
của Đức cố Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã gắn liền với hai chữ, “Đừng sợ!” Bởi đây chính là hai chữ đầu tiên mà ngài đã gởi
ra cho toàn thế giới khi vừa được chọn làm Giáo hoàng. Đây không phải là ý nghĩ độc đáo của ngài,
nhưng chắc chắn ngài đã được gợi hứng từ Kinh Thánh. Nếu đọc toàn bộ Kinh Thánh, tôi có thể bắt gặp
lời trấn an của Chúa, “Đừng sợ!”, được lập đi lập lại đến hơn 300 lần. Cụ thể như tôi thấy, trong bài đọc hôm nay, Chúa
đã trấn an Phao-lô đừng sợ, khi ngài vừa mới chân ướt chân ráo đến Cô-rin-tô. Như vậy, nếu mỗi ngày tôi chỉ cần chọn một lời
trấn an này của Chúa từ Kinh Thánh để được an ủi và vững tâm sống, tôi có thể
có đủ lời trấn an “để xài” gần trọn một năm!
Nói như vậy cũng có nghĩa là, Thiên Chúa luôn quan tâm đến cuộc sống đầy
gian khó, đau khổ chất chồng, nên Ngài an ủi tôi từng ngày. Tôi đang có nỗi sợ gì trong lúc này? Tôi thổ lộ cùng Chúa được không? Tôi để ý xem Chúa trấn an tôi thế nào. Ai quanh tôi đang có nỗi sợ nào, tôi bắt chước
Chúa, trấn an họ được không?
2.
“Đừng sợ!” Lời trấn an này có thể làm tôi nghĩ ngay đến
những nỗi sợ đối với kẻ thù hữu hình, hoặc một thể chế tham nhũng, tàn ác và bất
công. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thứ sợ
hãi mang tính xã hội, loại bạo quyền này thấp hèn nhất. Cuộc đời này còn có thứ sợ hãi về tâm lý, về
tâm linh nữa, cứ vây quanh, ám ảnh tôi ngày đêm. Nỗi sợ tâm lý như: sợ đối diện với chính tôi,
đối diện với cái nghèo, thiếu thốn vật chất, hoặc sự kém cỏi thông minh và tài
năng nơi tôi. Nỗi sợ tâm linh như: sợ đối
diện với sự bất toàn và những vấp ngã tội lỗi lớn nhỏ trong tôi. Hai nỗi sợ này nằm rất sâu trong tôi, và bám chặt
vào xương tủy tôi, chẳng rời xa tôi một giây.
Chúng như là nhà tù không có tường vây, cũng chẳng có cửa khóa then cài,
nhưng không dễ gì mà tôi có thể thoát ra được.
Chúng quyền năng lắm, ám ảnh tôi ngày đêm, đến mức, đi đâu tôi cũng phải
đóng kịch, phải đeo mặt nạ. Chúng lấy đi
tất cả sự tự do của tôi và gông cùm cuộc đời tôi trong bóng đêm. Dù quyền năng đến đâu, những nỗi sợ xã hội và
tâm lý chỉ nhất thời, chúng chỉ có thể giam hãm tôi ở cuộc đời này mà
thôi. Khi chết, tôi sẽ thoát hai thứ sợ
này. Chỉ có nỗi sợ tâm linh là quyền
năng hơn cả. Nó không chỉ giam hãm tôi ở
đời này, mà cả sau khi chết nữa. Chính
vì sợ nó có thể giam hãm tôi cả đời sau mà một số người, như để đánh lừa chính
mình, họ phủ nhận có đời sau để bớt sợ! Dù
là nỗi sợ nào đi nữa, hãy nghe lời khuyên của Chúa Giêsu: “Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, các con hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt
cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28).
Điều này có nghĩa là, chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể giải thoát tôi khỏi
mọi nỗi sợ thể lý, tâm lý, và tâm linh, cả đời này lẫn đời sau. Tôi có đang có nỗi sợ nào? Tôi sợ Chúa vì tôi tội lỗi ư? Tôi sợ nên thánh vì cảm thấy mình yếu đuối ư? Hãy xem lại cuộc đời của các thánh. Oscar Wilde nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội nhân nào cũng có một tương
lai.” Hãy tin tưởng vào lòng thương
xót vô biên của Chúa. Đừng sợ vì Chúa
luôn ở cùng tôi và thương tôi đến điên dại! Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “You Are Mine,” do David Haas, qua đường
dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=14pPevY5sd8
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment