Thursday, May 14, 2020

Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh – Năm A – 15-5-2020


Thu Sau V PS
Tông Đồ Công Vụ 15:22-31 
22 Bấy giờ, các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:
“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27 Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: 28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: 29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm.  Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi.  Chúc anh em an mạnh.”
30 Sau khi được mọi người tiễn chân, các đại biểu xuống An-ti-ô-khi-a, triệu tập cộng đoàn lại và trao bức thư. 31 Đọc thư xong, họ vui mừng vì lời khích lệ đó.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện của bài đọc hôm thứ Tư vừa qua (TĐCV 15:1-6), nói về một số người Kitô Do-thái đến cộng đoàn An-ti-ô-ki-a và cảm thấy khó chịu với những người Kitô gốc dân ngoại đã gia nhập các cộng đoàn Kitô mà không có phép cắt bì, theo luật Do-thái.  Họ đòi buộc những người Kitô gốc dân ngoại này phải chịu phép cắt bì, nhưng Phao-lô và Ba-na-ba đã phản đối gắt gao, cuối cùng hai ông đã lên Giê-ru-sa-lem để bàn hỏi với Phê-rô và các tông đồ.  Bài đọc hôm nay là thư trả lời của Phê-rô và các tông đồ, qua hai vị đại diện chính thức từ Giê-ru-sa-lem đó là, Giu-đa và Xi-la: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm.  Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi.”  Như vậy, các tông đồ đã không buộc những người Kitô gốc dân ngoại phải cắt bì.  Đối với Do-thái giáo, ba điều tối quan trọng làm nên đạo đức của người Do-thái: 1) Cắt bì; 2) Giữ luật ăn uống, và 3) Giữ luật ngày sa-bát.  Như vậy, đây là bước cách mạng của các tông đồ, đánh dấu các Kitô hữu chính thức tách ly khỏi Do-thái giáo.  Chính nhờ quyết định này mà ngày hôm nay tôi được là Kitô hữu, và không cần phải có phép cắt bì.  Đây cũng là một điểm rất đẹp trong Giáo hội, đó là luôn có sự hiệp nhất và đoàn kết theo truyền thống từ các tông đồ.  Cũng kể từ đó trong suốt hai ngàn năm qua, mỗi khi có những vấn đề cần phải bàn hỏi, sửa đổi, và thích nghi, Giáo thội luôn quy tụ về với vị kế vị Thánh Phê-rô, tức là Đức Giáo Hoàng, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để đưa ra những thay đổi có tính nhất thống. 
2.      Lối sống và cách thực hành niềm tin của tôi bao lâu nay có đang tạo sự hiệp nhất hay chia rẽ trong Giáo hội?  Tôi có hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng trong những suy nghĩ, thao thức và việc làm chung của Giáo hội, trước những biến chuyển lớn của nhân loại không?  Có điều gì tôi đang không hài lòng với Giáo hội, đang có những cách hành xử riêng, sai lệch với hướng đi chung của Giáo hội, áp đặt những suy nghĩ riêng của tôi lên người khác, bất chấp những đường hướng chung của Giáo hội?  Tôi xin Chúa giúp tôi mở lòng để dám nghĩ, hiểu và đồng hành một cách hiệp nhất với Giáo hội.  Có điều gì tôi cảm thấy Giáo hội đã lạc hậu, chưa cập nhật đủ hay toàn diện, tôi xin Chúa Thánh Thần đổi mới bộ mặt Giáo hội, và dù thế nào, phải luôn có sự hiệp nhất và yêu thương trong Giáo hội.    
Phạm Đức Hạnh, SJ   


0 comments:

Post a Comment