1 Khi đến ngày
lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ
trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ
đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống
như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy
đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo
khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại
Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở
về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói
tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói:
“Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế
sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng
ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê,
Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân
Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là
những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng
như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta
đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên
Chúa!”
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như là mốc, khởi điểm thời đại của
Chúa Thánh Thần và là ngày sinh nhật của Giáo hội. Bởi nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ không
còn sợ hãi, hoang mang và khép kín trong phòng nữa, nhưng đã tung cửa ra các
ngã đường, chia sẻ tin mừng Phục Sinh của Chúa Kitô đến cho mọi người. Thế là, Giáo hội ra đời, và tôi được đón nhận
đức tin! Ngày hôm nay mỗi khi mừng sinh
nhật, người ta thường tổ chức tiệc mừng, viết thiệp, tặng quà, trao cho nhau những
lời chúc, hát mừng sinh nhật, cắt bánh… Hôm
nay tôi sẽ làm gì để mừng sinh nhật Giáo hội?
Chắc chắn không phải là những hình thức bề ngoài, nhưng là chiều sâu tâm
linh. Có thể trong những giây phút này của
giờ cầu nguyện, tôi muốn cám ơn, muốn nói chuyện với Chúa Thánh Thần, như một
người mẹ, đã sinh ra Giáo hội? Tôi sẽ
chúc gì, ước gì cho Giáo hội, “trước khi cắt bánh,” và sẽ diễn tả khuôn mặt của
Giáo hội như thế nào trong tuổi mới, bởi Giáo hội cũng là tôi?
2.
Bài đọc hôm nay trình mày một khung cảnh rất sôi động, đông đúc
và ồn ào của mọi loại người, tựa như một đại tiệc sinh nhật. Dù rất huyên náo và ồn ào, nhưng đầy yêu
thương và sự thông hiểu nhau. Bài đọc mô
tả, khi nhận được Thánh Thần, tất cả mọi người thuộc đủ mọi dân nước đã có thể am
tường, nói được tiếng mẹ đẻ của nhau. Đây
là kiểu nói đầy tính biểu tượng để nói về một viễn cảnh tương lai của Giáo hội,
nơi mọi dân mọi nước đều được đón nhận ơn cứu độ từ Tin Mừng Phục Sinh. Ơn cứu độ, theo suy nghĩ của người Do-thái,
chỉ dành riêng cho họ, dân riêng của Chúa, mà thôi, thế nhưng hôm nay với ơn Chúa
Thánh Thần, mọi người đều được cứu độ. Một
ý nghĩa biểu tượng nữa đó là, mọi người đều nói và hiểu tiếng mẹ đẻ của nhau,
dù đến từ mọi dân mọi nước khác nhau. Vậy
tiếng mẹ đẻ của tôi là gì? Đây không phải
như các nhóm tâm linh nào đó hay xì xèo, lẩm bẩm những tiếng lạ nào đó, mỗi khi
cầu nguyện, mà không ai hiểu, và chính đương sự cũng chẳng hiểu. Bản văn Kinh Thánh hôm nay thuộc loại sách đức
tin nên, chắc chắn, tiếng mẹ đẻ mà bản văn nói ở đây không có nghĩa là tiếng Việt,
tiếng Anh, tiếng Pháp…, nhưng là tiếng chung của nhân loại: tiếng yêu
thương. Chính tình yêu mà mọi người có
thể hiểu nhau, dù là dân nước nào đi nữa.
Phải chăng bao lâu nay tôi thường dùng những tiếng hận thù, nghi kỵ,
ganh ghét, chia rẽ, quyền lực, kỳ thị…, nên chẳng ai hiểu tôi? Phải chăng bao lâu nay tôi cứ ngỡ những tiếng
này là tiếng mẹ đẻ của tôi, nên bây giờ có ai nói yêu thương và tha thứ, tôi cảm
thấy như họ nói tiếng lạ? Hoặc, mỗi khi
tôi nói tiếng yêu thương và tha thứ, tôi cứ cảm thấy ngượng miệng, đến trẹo cả
lưỡi mà vẫn không phát âm chuẩn? Tiếng mẹ
đẻ của tôi là tiếng yêu thương, tôi muốn tập nói tiếng mẹ đẻ này cho thành thạo. Tôi tin là tôi đã được ơn cứu độ từ Chúa Kitô
Phục Sinh, và đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần không? Nếu thật sự tôi đã nhận được ơn cứu độ và Thánh
Thần, tôi muốn, kể từ ngày sinh nhật hôm nay của Giáo hội, quyết tâm tập nói tiếng
mẹ đẻ của tôi mỗi ngày. Tôi quyết tâm tập
nói nói tiếng này cho giỏi, không ngọng, không cà-lăm, không bị lỗi. Tôi có thể xin Chúa Thánh Thần giúp tôi thực
hiện quyết tâm này. Tôi kết thúc giờ cầu
nguyện và mừng sinh nhật Giáo hội bằng bài hát, “Bài Ngữ Pháp của Tôi,” của Hà Xuân Huy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeTA5mofbI0
0 comments:
Post a Comment