Friday, May 29, 2020

Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 30-5-2020


Thu Bay VII PS

Gioan 21:20-25

20 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?"21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" 22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?  Phần anh, hãy theo Thầy." 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết.  Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?" 24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.  Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Có một điểm rất được nhấn mạnh trong Phúc âm Gioan, đó là: kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan thường làm việc trực tiếp với từng người, chẳng hạn như: Ni-cô-đê-mô, người đàn bà bên bờ giếng, người mù từ thuở mới sinh, người môn đệ Chúa Giêsu yêu tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly…và bài đọc hôm nay là Phê-rô.  Sau khi Phê-rô xác quyết với Chúa Giêsu rằng, ông rất yêu Chúa Giêsu, Ngài đã gọi ông, “Hãy theo Thầy!” (21:19). Trong bài đọc hôm nay, Phê-rô thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, nên hỏi Ngài về người đó.  Nhưng Chúa Giêsu đã nói Phê-rô, đó không phải việc của Phê-rô, phần Phê-rô chỉ biết theo Thầy thôi.  Điều này cũng có nghĩa là, theo Chúa Giêsu là một hành trình mang tính cá vị và riêng tư.  Sẽ không thể có chuyện theo Chúa Giêsu vì a-dua, vì đám đông, cũng chẳng phải vì ai, kể cả cha mẹ, nhưng phải là một quyết định mang tính cá vị và riêng tư.  Đời sống đức tin của tôi bao lâu nay có phải là một hành trình mang tính cá vị và riêng tư với Chúa Giêsu không?  Ngày nào đức tin của tôi là một sự lựa chọn tự do hoàn toàn, mang tính cá vị và riêng tư với Chúa Giêsu, ngày ấy đức tin của tôi thật sự bén rễ, trưởng thành và sinh hoa trái.  Tôi có nhận thấy tương quan cá vị, riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu rất phong phút trong tôi không?  Tôi trả lời sao với Chúa Giêsu và Ngài nói gì với tôi về tương quan giữa Ngài và tôi? 
2.      Bài đọc hôm nay là phần kết của Phúc âm Gioan, trong hai câu cuối cùng xác định một lần nữa kinh nghiệm riêng tư và mang tính cá vị với Chúa Giêsu là rất quan trọng.  Đó chính là những kinh nghiệm của các độc giả hai ngàn năm qua đã gặp Chúa Giêsu, khi họ tương tác rất riêng tư và thân mật với Ngài.  Họ chính là những môn đệ được Chúa Giêsu yêu, luôn tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu.  Họ nhiều vô số kể, trong đó có tôi.  Bởi vậy Gioan viết: Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”  Như vậy mỗi khi gặp Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện hoặc trong đời sống mỗi ngày, nếu tôi viết lại tất cả những kinh nghiệm ấy, một cách nào đó, tôi đang “viết tiếp Tin Mừng Gioan,” hoặc tôi đang viết Tin Mừng của tôi.  Đâu là những kinh nghiệm riêng tư, cá vị và rất thân mật của tôi với Chúa Giêsu?  Hãy để những kinh nghiệm này dẫn tôi vào thật sâu trong cung lòng của Thiên Chúa.  Tôi có thể đọc lại cho Chúa Giêsu nghe những kinh nghiệm này không?  Tôi có thể kể cho mọi người nghe những kinh nghiệm này không?    
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment