Sunday, December 22, 2019

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng – Năm A – 23-12-2019


Thu Hai IV MV

Luca 1:57-66

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Lễ Giáng Sinh là một sự kiện siêu thường vượt trên mọi sự lạ thường.  Gần đến Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội tiếp tục chuẩn bị cho tôi đón nhận sự kiện siêu thường ấy bằng cách, mời gọi tôi đọc lại những biến cố rất lạ thường, chẳng hạn như câu chuyện của Gioan Tẩy Giả, trong bài đọc hôm nay, ông được sinh ra từ một cặp cha mẹ đã già nua và hiếm muộn.  Qua đó có thể cho tôi thấy, đường lối của tôi không phải là đường lối của Chúa.  Thiên Chúa thường làm những điều lạ thường và siêu thường, vượt trên sự khôn ngoan, hiểu biết, và tưởng nghĩ của tôi.  Như Chúa đã từng nói trong Sách Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các người không phải là đường lối của Ta- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9).  Tôi đọc lại bài đọc trên, và ngẫm suy mầu nhiệm siêu thường Chúa xuống thế làm người vì tôi như thế nào.  Làm thế nào để tôi có thể đón nhận trọn vẹn những ân sủng của Mầu nhiệm Nhập Thể, và của ngày lễ sắp đến?  Có điều gì Chúa đã làm cho tôi, mà tôi đã chẳng nhận ra?  Tôi đã nói gì lúc ấy, và tôi muốn nói gì với Chúa lúc này?   

2.     Gia đình Da-ca-ri-a không chỉ lạ thường vì không có con, nhưng hôm nay lại có con, nhưng còn lạ ở tên gọi của họ.  Chẳng hạn, Da-ca-ri-a có nghĩa là Thiên Chúa đã nhớ (The Lord has remembered).  Quả thực, Chúa đã nhớ đến cảnh hiếm muộn và tủi nhục của vợ chồng ông mà cất đi những tủi nhục đó.  E-li-sa-bét có nghĩa là Thiên Chúa giầu có (The Lord is abundance).  Điều này cũng đúng nữa, dù ông bà hiếm muộn và ở cuối đời rồi, Thiên Chúa vẫn có thể làm cho họ được sinh con.  Cuối cùng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (God is gracious).  Cả một gia đình thật gần với Chúa, mỗi lần họ gọi tên nhau là mỗi lần họ nói về những sự cao đẹp của Chúa.  Điều này cũng giống như người Công giáo Việt Nam hay đặt tên con là Hồng-Ân, Thiên-Ân...  Cách đặt tên nhau có một sự liên hệ với những gì cao đẹp về Chúa, nói gì với tôi?  Một ngày sống, tôi nói về những điều cao đẹp của Chúa như thế nào?  Một ngày đi qua, tôi đã ngồi đếm những ân sủng của Chúa và tri ân Ngài ra sao?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,Một Chút Gì Rất Chúa,” phổ từ thơ của Trăng Thập Tự, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=AFpTPG8GqMA

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment