Sunday, December 29, 2019

Thứ Hai - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 30-12-2019


Thu Hai - BNGS

Luca 2:25-40

25Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chỉ bắt đầu từ câu 36-40, nhưng bài cầu nguyện hôm nay được trích từ câu 25-40, để thấy được một trong những cái đẹp trong cách viết của Luca.  Cái đẹp đó nằm ở cái nhìn bình đẳng nam nữ, mà hiếm thấy trong não trạng của người thời bấy giờ (2000 năm trước) và của nhiều nơi trên thế giới hiện nay.  Tôi có thể nhận thấy bài đọc này bao gồm, không chỉ có nam tiên tri, Si-mê-ôn, mà cũng có cả nữ tiên tri, An-na.  Cả hai cùng là những người công chính, và cuộc đời của họ gắn bó với Thiên Chúa cũng như đền thờ.  Luca muốn nói gì với tôi hôm nay?  Phải chăng dù là nam hay nữ, tất cả đều là con cái Chúa, tất cả đều có thể được Chúa linh ứng nói tiên tri, được dùng cho công việc của Ngài?  Thế giới ngày nay và Giáo hội chắc còn phải học ở Luca rất nhiều về sự bình đẳng nam-nữ.  Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, phải đến sau Công đồng Vatican II (1962-1965), nữ giới mới được đọc sách thánh và được lên gian cung thánh trong Thánh lễ, và phải gần đây nữ giới mới được giúp lễ và cho rước lễ!  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cho sự bình đẳng nam-nữ, đặc biệt tôi cầu nguyện cho mọi người biết tôn trọng nhân phẩm và vai trò của nữ giới trong xã hội, Giáo hội, cộng đoàn, sở làm, trường học và gia đình.  Tôi cũng không quên cầu nguyện cho những nạn nhân của tình trạng buôn người, bạo hành trong gia đình là nữ giới và trẻ em.      
2.  Một trong những phong tục tốt của người Do-thái đó là dâng lễ tạ ơn Chúa, nói theo kiểu Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn.”  Họ luôn cám ơn Chúa về những gì họ đón nhận được trong cuộc đời.  Thánh Giuse và Đức Mẹ trong bài đọc hôm nay cũng lên đền thờ để cảm ơn Chúa và để được thanh tẩy, sau khi đã được “mẹ tròn con vuông.”  Người Công giáo cũng có thói quen này, đó là cám ơn Chúa sáng tối, mỗi ngày.  Tiếc là nhiều người đã biến việc làm tốt này trở thành luật buộc, nếu không làm thì mắc tội.  Chính vì thế mà việc làm của họ trở nên máy móc, không có hồn, không trái tim trong đó.  Tôi có thói quen cám ơn Chúa sáng tối không?  Tôi làm với thái độ nào?  Sợ tội hay vì lòng mến, với tất cả phép lịch sự tối thiểu với Chúa hay bằng những bước lê nặng nề?  Tôi sống tâm tình biết ơn và tạ ơn thế nào sau một ngày làm việc vất vả, sau một đêm ngủ an lành, sau một năm làm việc, sau khi tốt nghiệp, sau khi lập gia đình, sau khi sinh con, sau khi thành công một công việc nào đó…?  Giây phút này vẫn chưa quá trễ, để tôi sống tâm tình biết ơn và tri ân Thiên Chúa về tất cả những gì tôi đón nhận mỗi ngày.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chú Bé Đánh Trống,” lời Việt do Viết Chung, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=z3c26GZFsew
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment