Sunday, December 15, 2019

Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng – Năm A – 16-12-2019


Thu Hai III MV

Mát-thêu 21:23-27

23Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy [Chúa Giêsu vừa đánh đuổi những người buôn bán đổi tiền trong đền thờ]? Ai đã cho ông quyền ấy?"24 Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?"26 Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ."27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nói về Chúa Giêsu bị các thượng tế và kỳ mục chất vấn về việc Ngài mới làm đó là, Ngài đánh đuổi những người đổi tiền và mua bán trong đền thờ.  Xin đừng hiểu đây là một bằng chứng cho biết, Chúa Giêsu là người nóng tính.  Không.  Cũng đừng hiểu Chúa Giêsu đánh đuổi chuyện mua bán trong đền thờ chỉ là do khó chịu vì ồn ào, dơ dáy, và mất ý nghĩa trang nghiêm của đền thờ.  Không.  Hành động của Chúa Giêsu trong đền thờ là một nghĩa cử đem lại sự giải thoát.  Giải thoát là vì Do-thái là một tôn giáo có bề dầy về lịch sử, đã quá cồng kềnh về luật lệ, lễ nghi, đồng thời bao gồm cả một đám tư tế hà khắc và tham nhũng, khiến dân chúng không thể đến với Thiên Chúa một cách dễ dàng, không được thấy những hình ảnh đẹp và đúng về Thiên Chúa từ các tư tế của họ.  Bởi thế hành động của Chúa Giêsu đã đem lại hy vọng cho con người, đem lại một bộ mặt mới của đền thờ, giúp mọi người gặp Chúa một cách dễ dàng và đúng nghĩa hơn.  Tôi nghĩ sao về tâm hồn tôi là một đền thờ lúc này?  Nó có cần được tẩy uế chăng?  Tôi dám mời Chúa Giêsu vào trong tâm hồn tôi lúc này không? 

2.     Sau biến cố đền thờ, Chúa Giêsu đối diện một cách bình tĩnh và khôn ngoan với các tư tế, những người vừa bị Ngài hất đổ “nồi cơm”.  Cái gì đã giúp Ngài bình tĩnh, không sợ hãi và khôn ngoan khi đối diện với những chống đối?  Tôi học được gì ở Chúa Giêsu khi phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống?  Tôi để Chúa ở vị trí nào trong những lúc tôi gặp khó khăn?  Tôi có thể ngồi với Chúa Giêsu trong lúc này và hỏi Ngài, làm sao mà Ngài bình tĩnh và khôn ngoan đến như vậy? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment