Tuesday, November 19, 2019

Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 20-11-2019

Thu Tu XXXIII TN
2Macabê 7:1,20-31

1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm… 20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con:22 "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con.23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."24 Vua An-ti-ô-khô cho là người mẹ sỉ nhục mình nhưng vẫn khinh thường những lời mạt sát đó. Bởi vậy chẳng những vua khuyên người con trai út còn sống sót, mà lại thề hứa làm cho anh được giàu sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ của tổ tiên. Ngoài ra, vua còn coi anh là bạn hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng.25 Nhưng vì người thiếu niên không thèm để ý gì tới, nên vua mới cho gọi bà mẹ đến và nhờ bà khuyên nhủ hầu cứu mạng cho anh.26 Vua phải mất nhiều lời bà mới bằng lòng thuyết phục người con.27 Nghiêng mình về phía anh, bà chế nhạo tên bạo chúa và dùng tiếng mẹ đẻ nói với anh những lời sau đây: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu.28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy.29 Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."30 Bà vừa dứt lời thì người thiếu niên nói: "Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng tôi qua ông Mô-sê.31 Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại người Híp-ri; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa.”

(Trích Sách Macabê II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện về bách hại tôn giáo trong lịch sử Do-thái giáo.  Ở đó, tôi đọc thấy sự dũng cảm của bảy mẹ con người Do-thái, can đảm sống đúng với giáo lý của họ, dù có phải chết.  Điều này cho thấy, họ là những người sống có mục đích, có lý tưởng.  Họ đã không để cho bất cứ ai, bất quyền lực nào, hoặc bất cứ cái gì có thể lay chuyển đời sống lý tưởng của họ.  Đời sống dũng cảm của họ có thể gợi nhớ trong tôi câu nói của Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), một triết gia lừng danh người Đức, từng nói: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.”  Giờ cầu nguyện này tôi muốn tự hỏi:  Tôi đang sống có mục đích không?  Mục đích hay lý tưởng sống của tôi là gì?  Cái gì đang điều khiển cuộc sống của tôi?  Danh vọng, tiền bạc, đam mê, vật chất, hay niềm tin vào Thiên Chúa? 
2.     Điểm rất đẹp trong bài đọc hôm nay đó là, đời sống gương mẫu và sự dạy bảo khôn ngoan của người mẹ dành cho con cái.  Điều này nói gì với tôi là những người làm cha làm mẹ, tôi đã dạy con cái sống đức tin như thế nào?  Có phải tôi chỉ dạy con cái đi lễ, cầu kinh trong nhà thờ, còn đời sống bổn phận và trách nhiệm với công bằng xã hội của một công dân, tôi đã thờ ơ, thậm chí không sống, hoặc đã dạy sai?  Tôi đã dạy con cái sống đức tin như thế nào trước bạo quyền?  Là con cái tôi đã thụ hưởng đức tin từ ai?  Tôi cầu nguyện cho người đã dẫn tôi đến con đường đức tin hôm nay chăng?  Đức tin đó bây giờ đã lớn mạnh như thế nào và đang giúp gì cho cuộc sống hiện tại của tôi và mọi người xung quanh?  Tôi đọc lại câu chuyện trên và có thể noi chuyện với người mẹ của bảy người con này, nhờ vậy tôi học được sống như thế nào là có mục đích và lý tưởng.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment