Mát-thêu 12:46-50
46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em
của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa
Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách
nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ
ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ
tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai
thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là
mẹ tôi."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Hai điều có thể khiến tôi chia trí với bài đọc hôm nay, đó là: 1) Cách
đối đáp giữa Chúa Giêsu và một người trong đám đông về Mẹ của Ngài và anh em Ngài. 2) Anh em của Chúa Giêsu. Trước hết, không phải Chúa Giêsu lạnh nhạt
với Mẹ của Ngài. Bài đọc hôm nay không
có ý dạy tôi về luân lý, nhưng dạy về đức tin.
Chính vì thế, cả bài đọc chỉ nói về thế nào để thuộc về gia đình của
Chúa, trong đức tin. Thứ đến, ngôn ngữ gia
đình của Do-thái thời bấy giờ cũng giống như ngôn ngữ gia đình Việt Nam. Ý niệm về gia đình rất rộng, trong đó không
chỉ có cha mẹ và con cái, như kiểu gia đình thời đại ngày nay ở các nước tiên
tiến, nhưng gia đình còn có anh em họ hàng, làng xóm nữa. Vì thế chữ “anh em” được dùng chung để chỉ anh
em ruột, anh em họ, cũng như những người hàng xóm. Hiểu như vậy, tôi sẽ không thấy mâu thuẫn với
niềm tin Công Giáo tin rằng, Đức Mẹ không có người con nào khác, ngoại trừ một
mình Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong
giờ cầu nguyện này đó là, tôi muốn tự hỏi: Tôi có là thành viên gia đình của
Chúa Giêsu không? Nếu có, tôi cảm thấy
hãnh diện không? Nếu có, tôi đã làm gì
để giữ gìn và phát triển tình gia đình này ngày càng mạnh hơn?
2. Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn suy ngẫm đến câu nói của Chúa Giêsu: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì
phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em
tôi, là mẹ tôi." Chúa Giêsu đề cao việc thuộc về gia đình với
Chúa quan trọng hơn cả tình huyết thống máu mủ.
Ngài cũng mở rộng tình gia đình ấy cho mọi người, miễn là tôi biết lắng
nghe và thực hành ý Chúa Cha. Tôi đã
sống thánh ý Chúa trong đời sống như thế nào?
Tôi muốn lắng nghe Ngài nói với tôi phải làm những gì và sống như thế
nào trong ngày hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment