Phi-lip-phê 2:6-11
6Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ
phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. 8Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự. 9Chính vì thế, Thiên Chúa
đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10Như vậy, khi vừa nghe danh thánh
Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11và
để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức
Giê-su Ki-tô là Chúa".
(Trích Phúc âm Luca bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_11Philipphe.html#2)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Có lẽ không có lời
nào diễn tả hết về tình yêu của Thiên Chúa cho bằng những lời từ Thư gởi Giáo
đoàn Phi-lip-phê, trong bài đọc hôm nay.
Tình yêu ấy cúi xuống đến tận cùng của kiếp người, dẫu vô tội nhưng lại
bị giết chết như một tử tội. Giờ cầu
nguyện hôm nay có thể dễ hơn, nếu tôi ngồi trước ảnh chịu nạn, hoặc có trong
lòng bàn tay một Thánh giá, giúp tôi chiêm ngắm kỹ hơn Thiên Chúa đã làm người
như thế nào, đã chết tất tưởi, cô đơn và nhục nhã trên thập giá như thế nào. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá nói gì
với tôi? Cái chết ấy giúp tôi như thế
nào khi tôi đang phải trải qua những đau khổ, hiểu lầm và sỉ nhục?
2.
Đoạn thư trên đã là
một cách diễn tả quan trọng đối với những Kitô hữu thời sơ khai. Có lẽ từ ban đầu các Kitô hữu đã cảm nhận
thật nhiều qua cách diễn tả này, bởi họ vừa sống qua kinh nghiệm về cuộc tử nạn
của Chúa Giêsu, hay ít ra được nghe từ những chứng nhân đầu tiên về cái chết
của Ngài. Có thể nói cái chết và sống
lại của Chúa Giêsu đã hấp dẫn nhân loại trong suốt hai mươi thế kỷ qua. Bởi nhân loại không cần một Thiên Chúa ở trên
mây, nhưng là một Thiên Chúa ở giữa nhân loại, đi qua mọi kinh nghiệm của con
người, vui buồn, sướng khổ, vinh nhục, để từ nay không còn ai có thể nói Thiên Chúa
chẳng biết gì đến những đau khổ của tôi.
Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là hết, nhưng Ngài đã sống
lại, đây là một hy vọng cho tôi để rồi, dù phải đau khổ đến đâu đi nữa, tôi vẫn
vững tin, vẫn hy vọng vì sẽ có ngày phục sinh khải hoàn. Tôi có thể đọc lại đoạn thư trên nhiều lần để
những lời này trở thành nền tảng đức tin của tôi, tạo một ý lực sống giữa những
thăng trầm của cuộc đời. Tôi kết thúc
giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Lặng,”
qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=hHt7puAevPo
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment