Do-thái 4:14-16
14 Chúng ta có một
vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên
Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị
Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu
hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng
không phạm tội.16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai
Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi
cần.
(Trích
Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi
ý cầu nguyện:
1. Đau khổ vốn đã bám
chặt vào kiếp nhân sinh không dễ gì tách biệt.
Biết bao tôn giáo đã xuất hiện nhằm giúp con người bớt khổ, hai trong
các tôn giáo đó phải kể là Phật giáo và Kitô giáo. Đối với Phật giáo, cội rễ của mọi đau khổ là
ở lòng tham; buông bỏ lòng tham đời sẽ bớt khổ.
Kitô giáo lại lý giải đau khổ bằng một con đường khác. Chúa Giêsu đến trong cuộc đời này không dạy
tôi tránh khổ hay diệt khổ, trái lại Ngài đi vào trong đau khổ, gánh lấy khổ
đau mà rỉ tai tôi rằng: Cha đồng hành cùng con trong mọi đau khổ! Bài đọc hôm nay diễn tả trọn vẹn ý nghĩa này
của Kitô giáo. Tôi muốn đọc lại Thư
Do-thái trên để nhắc nhở mình rằng: không bao giờ tôi phải cô đơn trong những
đau khổ của tôi bởi có Chúa luôn ở cùng.
2. Dù có một ai trong
cuộc đời này thương tôi hết mình, nhưng chắc chắn người đó không mang đau khổ
giùm tôi được. Tôi sẽ mãi mãi phải mang
đau khổ của riêng tôi. Tuy nhiên vì tình
yêu, sự thấu cảm, đỡ nâng và hiện diện của họ mà tôi được thêm sức để có thể
tiếp tục gánh mang những đau khổ của tôi.
Đó là cách thức Chúa Giêsu đang làm cho tôi và cho mọi người. Tôi có thể làm như vậy bên những người đồng
loại không? Giờ cầu nguyện này, xin cho
tôi được thấu cảm những khổ đau của anh chị em xung quanh và biết đỡ nâng
họ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment