Ê-phê-sô 6:1-4
1 Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần
của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là
điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:3 để ngươi được hạnh phúc
và hưởng thọ trên mặt đất này.4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho
con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn
và sửa dạy.
(Trích Thư Ê-phê-sô bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1. Ở
Việt Nam, đã có một thời Kitô giáo bị coi là Tà đạo, và ngày hôm nay cũng
vẫn còn có những người hiểu sai Kitô giáo vì họ cho rằng, Kitô giáo không dạy cho
người ta biết hiếu thảo ông bà cha mẹ.
Điều này hoàn toàn sai. Kitô giáo
coi việc hiếu thảo cha mẹ là điều rất quan trọng, được nâng thành luật, điều 4
trong Mười Điều Răn. Chưa hết, trong mọi
Thánh lễ người Công giáo cử hành mỗi ngày và ở mọi nơi đều cầu nguyện cho tổ
tiên thân bằng quyến thuộc. Bên cạnh đó,
Tháng 11 hàng năm được dành riêng để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua
đời. Đó là chưa kể Thư Ê-phê-sô trong
bài đọc hôm nay, được viết cách đây 2000 năm, khuyên dạy các Kitô hữu phải sống
cho đúng phép tắc gia phong và đúng luật Chúa.
Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn cầu nguyện, gởi gắm cho Chúa tổ tiên
thân bằng quyến thuộc của tôi, còn sống cũng như đã qua đời. Xin cho tất cả được ở trong yêu thương và sự
che chở của Chúa.
2. Đạo
hiếu Á đông là một điều hay, nhưng có lẽ lời từ Thư Ê-phê-sô về đạo hiếu còn
hay hơn nữa, đi xa hơn Đạo hiếu Á đông. Đạo hiếu Á đông mới chỉ dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, đây là
bổn phận làm con, nhưng mới chỉ có một chiều: con cái đối với cha mẹ, không
thấy nói gì bổn phận cha mẹ đối với con cái.
Trong khi đó Thư Ê-phê-sô đòi hỏi, không chỉ con cái phải kính trọng và
yêu thương cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng phải đối xử tốt với con cái, như Chúa dạy. Đạo hiếu này có hai chiều: con cái với cha mẹ
và cha mẹ với con cái. Đồng thời, đạo
hiếu này còn có giá trị đời đời. Mỗi
người hãy sống tốt và đúng vai trò của mình trong gia đình, không chỉ có phúc ở
đời này mà còn phúc cả đời sau nữa. Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại vai
trò của tôi trong gia đình: là cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, tôi đã sống
đúng những gì lời Chúa dạy chưa? Tôi
muốn Chúa giúp tôi như thế nào để sống tốt hơn, là một thành viên trong gia
đình? Tôi muốn xin Chúa chúc lành cho
những người thân trong gia đình của tôi, đặc biệt xin Ngài chữa lành những vết
thương do tôi đã gây nên cho ai đó trong gia đình.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment