Monday, October 8, 2018

Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên – Năm B – II –9-10-2018


Thu Ba XXVII TN
Luca 10:38-42
38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!"41 Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Chỉ trong một đoạn văn rất ngắn trên, tôi có thể đọc thấy một sự giằng co nội tâm, không chỉ Cộng đoàn Luca ngày xưa mà cả các cộng đoàn Kitô hữu ngày nay, không chỉ trong các động đoàn mà mọi Kitô hữu đều gặp phải đó là: Cầu nguyện hay hoạt động bác ái, điều nào quan trọng hơn?  Phải chăng đâu đâu tôi cũng gặp những người (trong đó có tôi) chỉ chuyên cầu nguyện, đi lễ, nhưng lại thờ ơ với những hoạt động bác ái, giúp người; hoặc chỉ hoạt động bác ái tối ngày đến không có giờ cầu nguyện?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn lại đời sống bao lâu nay của tôi, tôi đã chọn cái nào: Cầu nguyện hay hoạt động tông đồ?  Giữ cho tôi có một đời sống quân bình là điều cần thiết biết bao. 
2.      Tôi để ý câu nói của Chúa Giêsu: Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi", nói gì với tôi?  Có lẽ tôi phải chọn lại con đường nào không bị ai lấy mất, đó là sự kết hiệp mật thiết với Chúa và có Chúa luôn mãi.  Một khi có Chúa và tình yêu với Ngài sẽ thúc đẩy tôi đến với anh chị em xung quanh.  Keith McClellan, O.S.B nói: “Nếu cầu nguyện làm cho bạn trở nên thụ động và bất cần, đó không phải là cầu nguyện.  Cầu nguyện đích thực sinh hoa trái trong yêu thương và phục vụ.” Tôi muốn lấy câu này làm phương châm cho đời sống đức tin của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment