Tuesday, July 31, 2018

Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên - Năm B - II - 1-8-2018 - Lễ Thánh An-phon-xô


Thu Tu XVII TN
Mát-thêu 13:44-46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 44"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.”45 "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Thiên Chúa bao giờ cũng như người Cha, người Mẹ luôn ngóng tìm tôi, Ngài luôn đi bước trước đối với tôi.  Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu nói rõ: Tôi chính là Nước Trời và Nước Trời ấy quý như một kho báu chôn giấu trong ruộng, mà chính Chúa đã rong ruổi tìm tôi, đã gặp tôi và đã bán tất cả gia sản là Con Một của Ngài để có được tôi.  Tôi nghĩ sao?  Khi có được tôi rồi, chắc chắn đêm ngày Ngài luôn sợ mất tôi.  Ngài sẽ tìm mọi cách để khỏi mất tôi.  Tôi nghĩ sao khi Chúa sẵn sàng đánh đổi tất cả để có tôi, để được tôi?  Tôi muốn chiêm ngắm tình yêu của Ngài thật lớn lao đối với trong giờ cầu nguyện này.
2.      Trong giờ cầu nguyện này tôi cũng ngắm nhìn xem Chúa đang trân quý, nâng niu, cẩn thận gìn giữ tôi như một viên ngọc quý mà Chúa đã đánh đổi bằng mọi giá để mua được tôi.  Tôi muốn ngắm nhìn Chúa xem Ngài đang ngắm nhìn tôi với tất cả sự trìu mến của Ngài.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, July 30, 2018

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm B - II – 31-7-2018 – Lễ Thánh I-nha-xi-ô


Thu Ba XVII TN
1Cor. 10:31-33
31Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa;33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
(Trích Thư Cô-rin-tô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tâm tình cảm tạ và tri ân vốn được trân quý từ nhiều nền văn hóa cũng như tôn giáo khác nhau.  Đối với người Công giáo cảm tạ và tri ân Thiên Chúa được coi là trung tâm điểm của việc thực hành đức tin.  Mỗi Thánh lễ mà người Công giáo cử hành hằng ngày, dù ở đâu và lúc nào cũng đều gọi là Thánh lễ Tạ ơn (Thánh lễ có từ gốc trong tiếng Hy-lạp là Eucharist, có nghĩa là Tạ ơn).  Trong giờ cầu nguyện này tôi biết ơn Chúa về điều gì nhất trong ngày hôm nay?  Tôi biết ơn ai nhất và điều gì nhất trong ngày hôm nay?  Tôi muốn dành giây phút này để sống tâm tình tri ân cho trọn vẹn. 
2.     Phao-lô khuyên nhủ tôi cần có một thái độ sống đức tin để làm sao đức tin ấy phải dẫn đến hòa hợp với mọi người và vươn ra với mọi người chứ không thể sống đức tin cho riêng mình.  Tôi cần Chúa giúp điều gì để tôi có thể sống được như Phao-lô mời gọi?  Tôi cần Chúa giúp điều gì để tôi có thể giúp hàn gắn mọi chia rẽ và tổn thương trong gia đình và cộng đoàn của tôi?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 29, 2018

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – Năm B - II – 30-7-2018


Thu Hai XVII TN
Mát-thêu 13:31-33
31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi sẽ không cảm được gì hoặc những gì tôi đón nhận trong giờ cầu nguyện này sẽ không giúp tôi được gì cho cuộc sống thực tế, nếu tôi không bước vào giờ cầu nguyện này với sự lạc quan và óc tưởng tượng như Chúa Giêsu để hiểu những gì Ngài đang nói về Nước Trời.  Tôi muốn hình dung những hạt nhỏ bé được gieo vào lòng đất, nhưng lớn lên mạnh mẽ và to lớn.  Chúa ước mơ như vậy đó về Nước Trời khi Ngài gieo trong lòng tôi, trong lòng thế giới này chính Con Một của Ngài.  Trước hết trong thân phận mỏng giòn của một trẻ thơ, sinh ra không nhà cửa, bên bò lừa, và rồi đồ đệ của Ngài là những con người thất học, vậy mà hôm nay Kitô giáo đã lớn mạnh trên toàn thế giới.  Tôi muốn đi vào trí tưởng tượng và lạc quan của Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này để hiểu và cảm nhận những mơ ước của Chúa đang dành cho tôi và nhân loại.
2.      Hai dụ ngôn về Nước Trời hôm nay đều bắt đầu từ những gì nhỏ bé, hạt cải và men bột, chúng tầm thường và nhỏ bé vậy mà đã lớn mạnh vượt sức tưởng tượng.  Tôi có tin Chúa đủ để cho Ngài dùng tôi, dù tôi tầm thường, thất học, kém khôn ngoan đi chăng nữa?  Chúa có thể biến những tầm thường trong tôi trở thành phi thường đối với cả thế giới, tôi tin không?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 28, 2018

Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên – Năm B - II – 29-7-2018


Chua Nhat XVII TN
Mát-thêu 13:24-30
1Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!"15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay có thể làm tôi chú ý đến hai điều: thứ nhất, tình thương lo lắng của Chúa Giêsu dành cho dân chúng.  Ngài không chỉ nhìn thấy nhu cầu của họ mà thở dài, “Tội nghiệp quá!” rồi chẳng làm gì, nhưng đã làm phép lạ để giúp họ.  Tình thương và quan tâm của Chúa Giêsu đến nhu cầu của dân chúng nói gì với tôi trong giờ cầu nguyện này?  Một lời mời đối với tôi phải biết quan tâm đến nhu cầu của người khác thay vì dửng dưng, theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy sáng”? 
2.      Thứ hai, sự quảng đại của em bé có năm chiếc bánh và hai con cá.  Nếu không có sự quảng đại của em bé này thì liệu phép lạ có xảy ra?  Câu nói An-rê mới ngây ngô làm sao khi ông nói với Chúa Giêsu về số lương thực mà một em bé có so với số đông dân chúng, năm ngàn người.  Có lẽ tác giả muốn ghi nhận câu nói ngây ngô này của An-rê để nói với tôi về đức tin cần phải có cho mọi phép lạ chăng?  Tôi có đức tin lớn đủ để dám nói với Chúa Giêsu về những gì tôi mong ở Ngài chăng?  Lạy Chúa xin cho con đức tin!
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 27, 2018

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 28-7-2018


Thu Bay XVI TN
Mát-thêu 13:24-30
24Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?"29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn rất đẹp về Nước Trời.  Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu là hạt giống mà Chúa Cha đã gieo trong cuộc đời của tôi, và đặc biệt hơn nữa đó là, Ngài chính là hạt giống tốt.  Ấy vậy mà với tháng ngày, khi nhìn lại tâm hồn tôi không chỉ có hạt giống Đức Giêsu mà có cả cỏ lùng nữa, và Chúa Giêsu cho biết cỏ lùng này không phải do Chúa Cha gieo mà là kẻ thù của cuộc đời này.  Phải chăng trong cuộc sống tôi vẫn thường than trách tại sao Chúa gởi đến cho tôi khó khăn này, đau khổ kia?  Không phải.  Chính kẻ thù đã làm điều đó.  Giờ cầu nguyện này không phải là lúc tôi nhổ cỏ, mà là muốn nhìn ra những phương thế nào để hạt giống Đức Giêsu có thể lớn mạnh hơn, lấn át cỏ lùng trong tôi.  Tôi phải cộng tác với ơn Chúa ra sao để hạt giống Đức Giêsu lớn mạnh trong tôi? 
2.      Giờ cầu nguyện này cũng không hẳn là chỉ dành cho tôi, mà còn cho gia đình và cộng đoàn tôi nữa.  Cỏ lùng và lúa là hai loại cây rất giống nhau nhìn ở bề ngoài.  Làm sao tôi phân biệt đây?  Phải chăng nhiều khi tôi đã gọi người này người kia là cỏ, trong khi đó luôn cho mình là lúa?  Đã vậy tôi còn luôn muốn nhổ cỏ, không muốn người này người kia có mặt trong gia đình tôi, trong gia tộc tôi, trong cộng đoàn tôi.  Tôi xin Chúa giúp tôi biết biện phân giữa lúa và cỏ trong cuộc đời này.  Đồng thời biết kiên nhẫn mà không sốt sắng nhổ cỏ anh chị em xung quanh.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 26, 2018

Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 27-7-2018


Thu Sau XVI TN
Mát-thêu 13:18-23
18"Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi có thể thấy trong dụ ngôn hôm nay, Thiên Chúa là người gieo giống đầy lạc quan.  Bất kể tôi thuộc loại mảnh đất nào: sỏi đá, mầu mỡ, đầy bụi gai, Ngài sẵn sàng gieo vào thửa đất của tôi.  Đồng thời Ngài rất tự tin, tin rằng hạt giống Ngài đã gieo chắc chắn sẽ nẩy mầm.  Thiên Chúa không e ngại tình trạng sống của tôi như thế nào, sỏi đá, mầu mỡ hay đầy bụi gai, để Lời Chúa chính là hạt giống, Con Một Thiên Chúa được gieo vào cuộc đời tôi.  Tôi có bao giờ tự hào về Thiên Chúa dùng cuộc đời tôi để gởi gấm ước mơ của Ngài chăng?  Tôi ở lại trong giờ cầu nguyện này để tận hưởng niềm vui này.
2.      Thiên Chúa đã gieo, đã gởi ước mơ của Ngài vào cuộc đời tôi và tin rằng chắc chắn ước mơ đó sẽ nẩy mầm.  Vấn đề là nẩy mầm rồi, ước mơ đó có trổ sinh hoa trái không, lại tùy thuộc hoàn toàn ở tôi.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn ngắm nhìn mảnh đất cuộc đời tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi, nó thuộc loại nào: sỏi đá, gai góc hay mầu mỡ?  Hạt giống đó bây giờ nẩy mầm và sinh hoa trái đến đâu rồi?  Tôi muốn làm gì để hạt giống này trổ sinh hoa trái tốt tươi? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 25, 2018

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 26-7-2018 - Lễ Thánh Gioakim và Anna


Thu Nam XVI TN
Mát-thêu 13:10-17
10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?"11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Chúa Giêsu hôm nay nói đến cái phúc của tôi được đón nhận tin mừng Nước Trời, không phải do sự khôn ngoan của tôi, nhưng do sự mạc khải của Thiên Chúa và tấm lòng đơn sơ của tôi.  Chẳng phải Thiên Chúa thiên vị giầu hay nghèo, thông thái hay thất học, nhưng Thiên Chúa mến yêu những ai khiêm nhường đơn sơ.  Một khi tôi đơn sơ khiêm hạ, ơn Chúa càng đổ tràn trong tôi.  Giờ cầu nguyện này là lúc tôi mở lòng, để cho lòng tôi trũng sâu xuống nhờ vậy ơn Chúa có thể chảy sâu hơn và không để cho ơn Chúa vương vãi uổng phí.  Nếu tôi có tính tham lam hãy tham lam ơn sủng của Chúa trong lúc này!
2.      Giờ cầu nguyện này tôi cũng có thể hỏi Chúa, đâu là những góc cạnh trong đời sống của tôi cần khiêm tốn hơn, cần mở ra hơn để sự mạc khải của Chúa có thể tiếp chảy đến trong tôi?  Đâu là những điều Thiên Chúa đã mạc khải cho tôi, tôi dâng lời cảm tạ.   
Phạm Đức Hạnh, SJ



Tuesday, July 24, 2018

Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 25-7-2018 – Lễ Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ


Thu Tu XVI TN
2Cor. 4:7-12
7 Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.8 Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng;9 bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.10 Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.11 Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.12 Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.

(Trích Thư Cô-rin-tô II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Kho tàng mà Phao-lô nói ở đây chính là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh.  Tôi cũng mang trong mình niềm tin này với tất cả sự mỏng giòn yếu đuối tư bề bởi những lỗi lầm và đôi khi là sự nghi ngờ, cùng những thử thách và chống đối, giam cầm.  Tuy nhiên Thiên Chúa cao cả lại chọn ở trong những gì là yếu đuối của tôi.  Tôi cảm thấy tự hào về Thiên Chúa của tôi chăng?  Tôi cảm thấy khiêm nhường trước Thiên Chúa của tôi không?  Tôi dám tin vào Thiên Chúa ở trong tôi để biến những yếu đuối của tôi trở nên mạnh mẽ hơn chăng? 
2.      Tôi muốn ở lại với những lời trên của Phao-lô, và xin Chúa giúp tôi tiếp tục dám mở lòng cho sự hiện diện của Ngài trong tôi dù tôi yếu đuối và bất toàn.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa đang ở tròn đầy, đang hoạt động mạnh mẽ trong tôi, và tôi dâng lời cảm tạ Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, July 23, 2018

Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 24-7-2018


Thu Ba XVI TN
Mikha 7:18-20
18 Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, 19 Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.20 Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.
(Trích Sách Tiên Tri Mikha bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có thể lời từ Tiên tri Mikha trong bài đọc hôm nay giúp tôi có cái nhìn đúng đắn hơn về Thiên Chúa mà tôi tin thờ.  Ngài trổi vượt về tình thương và sự tha thứ, hơn hẳn các vị thần minh mà tôi có thể nghĩ tới.  Ngài không phải là Đấng mà ghi chép tỉ mỉ những lỗi phạm của tôi và bận rộn đêm ngày rình rập mọi cơ hội để trừng phạt tôi.  Ngài cũng không thù vặt, cũng chẳng thù dai đối với những lỗi phạm của tôi.  Nếu có một điều gì Chúa nhớ mãi đó là lời hứa và sự trung tín của Ngài.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn lại đâu là những hình ảnh lệch lạc mà tôi vẫn có về Thiên Chúa?  Những hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa đó là những ngẫu tượng mà tôi phải đập nát và loại khỏi con người của tôi càng sớm càng tốt.
2.      Còn một hình ảnh nào đẹp hơn về tình thương của Thiên Chúa như được mô tả qua bài đọc hôm nay?  Nào là Thiên Chúa chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác, không giữ mãi cơn giận, chà đạp tội lỗi tôi dưới chân và ném chúng xuống đáy biển, nhưng luôn chuộng lòng nhân nghĩa.  Tôi có thể đọc đi đọc lại mãi những lời này về Thiên Chúa và để những lời này giúp tôi tin tưởng đến gần Chúa trong mọi lúc, đồng thời để những lời này thấm sâu trong lòng tôi, chữa lành những vết thương trong đời sống của tôi.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 22, 2018

Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 23-7-2018


Thu Hai XVI TN
Mát-thêu 12:38-42
38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."39 Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Thái độ của những người Pha-ri-sêu đòi hỏi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ nào đó để họ tin, tưởng chừng đã cũ, nhưng nó lại chẳng cũ bao giờ.  Bao nhiêu ngàn năm qua người ta vẫn thách thức Thiên Chúa và đòi hỏi phải có những phép lạ, nếu không thì bỏ đạo, nếu không thì không tin, nếu không thì không hoán cải.  Tôi có thái độ đức tin như vậy không?  Trong giờ cầu nguyện này tôi tin Chúa được bao nhiêu phần trăm?  Tôi có từng đòi hỏi Chúa làm cho tôi cái này, thực hiện cho tôi ước nguyện kia, và rồi tôi sẽ đổi chác cho Chúa những thứ nọ, sẽ hy sinh kinh kệ tối sáng đến mòn cả răng?  Tôi đọc lại những lời trên và xin cho tôi được một thái độ sống đức tin mới, trưởng thành hơn. 
2.      Bao nhiêu năm qua, dù tin nhận Chúa Con đã xuống thế làm người, đã chết, đã sống lại và hằng ngày vẫn ở với mọi người, nuôi dưỡng mọi người bằng chính lời của Ngài, bằng chính thân thể Ngài.  Bao nhiêu đó vẫn chưa gọi là phép lạ sao?  Bao nhiêu ấy vẫn chưa đủ sao?  Sao tôi cứ mãi chạy theo phép lạ--Hễ nghe người nào đó có chuyện lạ ở tượng của Chúa, của Mẹ, nơi này nơi kia, ở Cha Trương Bửu Diệp và các vị thánh khác?  Có những chuyện lạ xảy ra nơi này nơi kia còn cần Giáo hội kiểm chứng khá lâu mới biết được đó là chuyện lạ do Chúa hay ma quỷ làm ra, ấy vậy mà tôi quên mất Chúa vẫn liên tục làm phép lạ mỗi ngày trong tôi, trong gia đình tôi, tôi không nhận ra.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Ngài đang hiện ra trước mặt tôi, sự hiện diện tròn đầy của Ngài không kém gì sự hiện diện của Ngài trong Thánh thể, tôi tin không? 
Phạm Đức Hạnh,SJ



Saturday, July 21, 2018

Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên – Năm B - II – 22-7-2018


Chua Nhat XVI TN
Giê-rê-mi-a 23:1-4
1Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -2 Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.3Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều.4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
(Trích Sách Tiên Tri Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay từ Sách Giê-rê-mi-a thật đẹp.  Ở đó tôi gặp một Thiên Chúa cũng quặn đau vì những đoàn chiên đang bị mục tử của họ giầy xéo và bỏ bê.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn ở lại với nỗi lòng đau xót của Thiên Chúa đối với dân của Ngài đang phải bơ vơ không ai hướng dẫn và chăm lo.  Tôi muốn cầu nguyện cho những con chiên, đàn chiên của Chúa đang phải bơ vơ, đói khát.  Tôi cũng muốn cầu nguyện cho những mục tử đang xa lìa ơn gọi và trách nhiệm của mình, đang đánh mất chính mình và đang hãm hại đàn chiên.  Tôi cũng cầu nguyện cho những người mà Chúa đã giao phó cho tôi trông nom, đó là gia đình của tôi, con cái tôi, cha mẹ già của tôi, đoàn thể của tôi, họ bây giờ đang ở đâu, đang có những nỗi lo, nỗi đau nào, tôi có biết không? 
2.      Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn cảm nghiệm tình thương, sự quan tâm và lo lắng của Chúa đang dành cho tôi.  Ngài dẫn tôi đến đồng cỏ xanh tươi, nơi có nguồn nước và bóng mát để tôi được bồi dưỡng, nghỉ ngơi và không bao giờ cảm thấy kinh khiếp hay bị bỏ rơi nữa.  Tôi ở lại với tình thương này và để tình thương này chữa lành những vết thương trong tôi.  Tôi có thể dùng lời Thánh vịnh 23: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.  Trong đồng cỏ xanh rì, Người để tôi nằm nghỉ..." nhẩm đi nhẩm lại trong cả ngày sống của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 20, 2018

Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên – Năm B - II – 21-7-2018


Thu Bay XV TN
Mát-thêu 12:14-21
14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết.16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói:18 "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay vẫn nằm trong loạt bài của Chúa Giêsu nói về cái giá của người môn đệ.  Cái giá đó hôm nay đã đến với Chúa Giêsu, Ngài đang bị người ta ganh ghét và tìm cách giết Ngài.  Như vậy, nếu người ta đã tìm cách giết Ngài, tôi là môn đệ của Ngài chắc chắn họ cũng sẽ không tha và nếu tôi chỉ tìm sự yên bình đi theo Chúa, không một khó khăn nào, có lẽ tôi đã chọn lầm.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xác định lại ơn gọi của tôi.  Tôi còn muốn theo Chúa Giêsu nữa hay thôi?  Tôi xin Chúa cho tôi can đảm theo Chúa.
2.      Lời của Isaia mà Mát-thêu đã trích dẫn hôm nay dường như đã thành Phương châm, hay Tôn chỉ và Mục đích cho đời sống mục vụ của Chúa Giêsu.  Cả cuộc đời của Ngài đã luôn loan báo công lý và nâng đỡ mọi kẻ yếu đau, nhọc nhằn.  Tôn chỉ và Mục đích sống của tôi là gì?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn viết cho chính tôi một Phương châm sống, hoặc một Nguyên lý Nền tảng và Mục tiêu cuộc đời của tôi, để từ nay cho đến cuối đời, mọi suy nghĩ, mọi chọn lựa trong cuộc sống sẽ dựa trên Phương châm sống mà tôi sẽ bàn với Chúa trong giờ cầu nguyện hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 19, 2018

Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên – Năm B - II – 20-7-2018


Thu Sau XV TN
Isaia 38:1-6
1Trong những ngày ấy, vua Khít-ki-gia lâm bệnh nguy tử. Ngôn sứ I-sai-a con ông A-mốc đến gặp vua và nói: "ĐỨC CHÚA phán thế này: ‘Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi đâu.’"2 Vua Khít-ki-gia quay mặt vào tường và cầu nguyện với ĐỨC CHÚA như sau:3 "Ôi lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài." Rồi vua Khít-ki-gia khóc, khóc thật to.4 Bấy giờ có lời ĐỨC CHÚA phán với ông I-sai-a rằng:5 "Hãy đi nói với Khít-ki-gia: ‘ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Đa-vít tổ tiên ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Này, Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa.6 Ta sẽ giải thoát ngươi cùng với thành này khỏi tay vua Át-sua, sẽ che chở thành này.’"
(Trích Sách Tiên Tri Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay có thể làm tôi lưu ý đến hai điều, thứ nhất: Lời nguyện trong nước mắt của Vua Khít-ki-gia.  Ông lâm bệnh nặng và cảm thấy cái chết đang gần kề, ông cầu nguyện tha thiết bằng những tiếng than thở và những giọt nước mắt.  Lời nguyện của ông chân thành, đầy tin tưởng, và đặc biệt rất thân mật với Chúa.  Tôi có thể học ở ông cách cầu nguyện.  Giờ cầu nguyện của tôi trong lúc này phải thành thật, phải thiết tha, phải thân mật, chứ không thể là việc làm lấy lệ, làm vì bắt buộc, làm vì thói quen, không làm thì cảm thấy mặc cảm tội lỗi.  Có một điều gì tôi cần thân thưa với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn nói với Ngài hết cả tâm can.  Có một niềm vui hay món quà nào tôi muốn Chúa chia vui với tôi, tôi chia sẻ với tất cả lòng biết ơn.
2.      Thứ hai: Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện và nhìn thấy nước mắt của Vua Khít-ki-gia.  Tôi có tin rằng khi tôi cầu nguyện tha thiết, thật lòng và với tất cả tâm can, Chúa sẽ nghe lời tôi không?  Thiên Chúa mà tôi tin thờ là một Thiên Chúa bao dung, yêu thương vô điều kiện và chẳng tiếc ban chính Con Một của Ngài cho tôi, chắc chắn Ngài sẽ không tiếc gì với những nhu cầu nhỏ bé nhưng đơn thành của tôi trong lúc này.  Tôi muốn bắt chước vị vua này và tin tưởng cất tiếng nguyện cầu.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 18, 2018

Thứ Năm Tuần XV Thường Niên – Năm B - II – 19-7-2018


Thu Nam XV TN
Mát-thêu 11:28-30
28"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa Giêsu hôm nay là một an ủi lớn đối với tôi lúc này chăng khi Ngài nói: Hãy đến với Ngài nếu tôi đang lao đao vất vả, để Ngài bồi dưỡng cho tôi?  Tôi cảm thấy thế nào ở lời mời gọi này?  Tôi tin tưởng Ngài không?  Giờ cầu nguyện này tôi muốn nói với Ngài tất cả những lao nhọc, lo lắng và sợ hãi trong tôi và để ý Ngài nói gì với tôi.
2.      Chúa Giêsu nói tôi nên học ở Ngài trong đức khiêm nhường và hiền hậu, hãy mang lấy ách của Ngài vì nó êm ái và nhẹ nhàng.  Tôi không thể đến với Chúa nếu trước hết không khiêm nhường.  Đồng thời lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng không nói Ngài sẽ mang những gánh nặng giùm tôi, nhưng nói tôi hãy mang lấy ách của Ngài, tức bỏ cái ách ĐƠN mà trước giờ tôi vẫn mang trên mình một mình, để rồi mang cái ách ĐÔI của Chúa, ở đó tôi đeo một bên và Chúa đeo một bên cái ách đôi đó.  Như vậy từ nay tôi sẽ không phải đau khổ vất vả một mình, nhưng có Chúa cùng chia sẻ.  Đời hạnh phúc là ở chỗ có người cùng chung đường với tôi, hiểu tôi.  Hôm nay không phải là một người nào đó chung đường và hiểu tôi nữa, mà là Thiên Chúa muốn đi chung đường và hiểu tôi.  Tôi hãy khiêm nhường mời gọi Ngài cùng chia sẻ với tôi, tôi sẽ thấy hạnh phúc và nhẹ bớt nhiều.   
Phạm Đức Hạnh, SJ