Tuesday, October 18, 2022

Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên – Năm C –19-10-2022

Thu Tu XXIX TN

Luca 12:39-48

39Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này, nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” 41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít.  Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay đã là Tuần Lễ 29 Thường Niên, tức là đã gần vào cuối Năm Phụng Vụ, chuẩn bị bước vào Mùa Vọng và Giáng Sinh.  Thói quen bình thường của cuộc sống, càng về cuối năm, người ta thường có thói quen nhìn lại chặng đường đã qua, kiểm lại những ưu khuyết điểm để rút kinh nghiệm cho năm mới.  Cũng cùng suy nghĩ như thế, khi càng gần những ngày cuối Năm Phụng Vụ, Giáo hội cũng chọn các bài đọc theo hướng giúp tôi nhìn lại những ưu khuyết điểm để rút kinh nghiệm, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm mới.  Bài đọc hôm nay nêu bật chủ đề: Sẵn sàng cho những gì sau cùng của đời sống.  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn của một ông chủ đi xa, nhưng chẳng biết ngày giờ nào ông ta sẽ trở về.  Khi ông trở về mà thấy đầy tớ nào làm việc nghiêm túc, sẽ được thưởng; còn đầy tớ nào biếng nhác, sẽ bị phạt.  Một dụ ngôn ám chỉ về ngày cánh chung, ngày mà đối với mọi người đều quá trễ để thay đổi, quá trễ để xây đắp cho tương lai, quá trễ để yêu thương.  Dụ ngôn này có đánh động tôi không?  Dụ ngôn này thức tỉnh tôi về điều gì? 

2.  Phần nhiều, mỗi khi nghe dụ ngôn này, tôi có thể có cảm giác sợ hãi, cảm nghĩ tiêu cực về Thiên Chúa.  Thế nhưng, việc Chúa Giêsu kể về dụ ngôn này không phải để tôi sợ.  Bởi sợ không giúp ích gì cho đời sống vĩnh cửu của tôi; sợ có thể làm tôi tê liệt, bối rối, bất động, không biết làm gì.  Chỉ có sự tỉnh thức mới giúp tôi mở mắt, mới giúp tôi nghĩ đến mục đích của đời sống, mới giúp tôi có những định hướng rõ ràng và mạnh mẽ cho tương lai.  Dụ ngôn của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đề cập đến hai loại người: Một, loại người luôn tỉnh thức, sống có trách nhiệm và sống có mục đích; hai, loại người sống trong sợ hãi, sống vô trách nhiệm, sống không có mục đích và chẳng có ngày mai.  Tôi thuộc loại người nào trong dụ ngôn của Chúa Giêsu?  Tôi sống và thể hiện thái độ sẵn sàng của tôi như thế nào, để bất cứ khi nào Chúa đến tính sổ đời tôi, tôi cũng vẫn vui và bình an?  Hôm nay đã gần vào những ngày cuối Năm Phụng Vụ, tôi có thể tính sổ linh hồn của tôi với Chúa chăng?  Đâu là những ưu khuyết điểm để rút kinh nghiệm cho năm mới, và để có hướng đi mới cụ thể cho năm tới?  Tôi ngồi với Chúa và xin Ngài giúp tôi xét mình cho tường.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment