Luca 13:10-17
10Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một
hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật
đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống
và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà,
Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” 13 Rồi
Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông
trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có
sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào
ngày sa-bát!” 15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không
cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16 Còn bà
này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay,
thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” 17 Nghe
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám
đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh cho một bà bị quỷ ám, xảy ra trong một hội đường vào ngày sa-bát. Tôi có thấy chuyện gì lạ trong bài đọc hôm nay? Thông thường trong các trình thuật về chữa bệnh, các tác giả Tin Mừng thường kể, người ta đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho họ. Trong khi đó bài đọc hôm nay, Luca viết: Chúa Giêsu thấy bà, Ngài lên tiếng trước: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Chúa Giêsu chạnh lòng thương và chữa lành cho bà, trước khi bà kêu xin. Luca đã rất tinh tế cho tôi thấy được nét đẹp trong tâm hồn của Chúa Giêsu trước những đau khổ của con người. Như Edgar Allan Poe (1809-1849), một nhà thơ, nhà văn người Mỹ, chuyên viết rất nhiều thơ và truyện ngắn, nói: “Vẻ đẹp của bất kỳ hình thức nào, trong sự phát triển tuyệt đỉnh của nó, luôn kích thích tâm hồn nhạy cảm đến rơi lệ - Beauty of whatever kind, in its supreme development, invariably excites the sensitive soul to tears.” Tôi có thể dừng ở chi tiết này để suy niệm và cầu nguyện. Hội đường là nơi thờ phượng của người Do-thái, nhỏ, ở từng địa phương; trong khi đó, đền thờ thì lớn và chỉ có một, ở xa tận Giê-ru-sa-lem, nơi thờ phượng chính của tất cả mọi người Do-thái trong cả nước. Câu chuyện chữa bệnh hôm nay xảy ra tại hội đường và trong ngày sa-bát. Đối với người Do-thái, Luật Mô-sê không cho phép họ đi bộ quá 900 mét trong ngày sa-bát. Những chi tiết này cho tôi thấy, những người có mặt trong hội đường hôm ấy toàn là những người quen, sinh sống ở địa phương đó, hoàn toàn không xa lạ với nhau. Chúa Giêsu có thể cũng ở vùng đó và Ngài cũng đã nghe biết về người đàn bà đáng thương này. Những người cần đến sự giúp đỡ của tôi bao giờ cũng ở gần tôi, gần đến mức quá quen, đến mức tôi chẳng muốn quan tâm, chẳng còn rung cảm được trước những khó khăn của họ. Ai là những người đang cần sự giúp đỡ lưu tâm của tôi? Họ đang có những nhu cầu nào? Chúa đang mời gọi tôi làm gì cho họ? Nếu Chúa Giêsu có mặt ở bên tôi lúc này, Ngài có thấy họ, có rung cảm trước khó khăn của họ, có làm gì cho họ không; còn tôi, có rung cảm, có muốn làm gì cho họ không? Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về những anh chị em đau khổ quanh tôi? Tôi có thể xin cho tâm hồn tôi trở nên thật đẹp, biết rung cảm trước những đau khổ của người khác. Văn hào Nga Leo Tolstoy (1828-1910) nói: “Nếu bạn cảm thấy đau, tức bạn còn sống; nếu bạn cảm được nỗi đau của người khác, bạn là con người – If you feel pain, you’re alive; if you feel other people’s pain, you are a human being.”
2. Người đàn bà này đã bị còng lưng đến 18 năm, tức là đã bị khổ đau lâu lắm rồi. Hôm nay, bà đến trong hội đường và hiện diện đúng tầm mắt của Chúa Giêsu, để Ngài trông thấy bà. Khi thấy bà, Ngài chạnh lòng thương, cứu chữa bà ngay, để bà được đứng thẳng, trở thành con người bình thường, nhìn thấy trời xanh, hít thở khí trời một cách thoải mái và tự do. Bởi thế, bà rất vui, rất hạnh phúc, liền ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Có điều gì hay khó khăn nào, khổ tâm nào đang trói buộc tôi bao lâu nay, khiến tôi mất tự do, khiến tôi sống trong cô quạnh, khiến tôi không thật sự sống? Tôi muốn đến gặp Chúa Giêsu và muốn ở trong tầm mắt, sự chú ý của Ngài trong lúc này. Tôi muốn trải lòng tôi với Ngài và xin Ngài cứu chữa. Tôi để ý những biến chuyển trong tâm hồn tôi khi nói chuyện với Ngài. Tôi để cho những cảm xúc ấy như những lưỡi dao cắt bỏ mọi thứ dây đang trói buộc tôi bao lâu nay, để tôi dám vui, dám đứng thẳng, dám sống đầy tự do, lạc quan và hy vọng.
Phạm Đức Hạnh SJ
0 comments:
Post a Comment