Friday, October 21, 2022

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm C –22-10-2022 – Lễ Thánh Gioan Phao-lô II, Giáo Hoàng

Thu Bay XXIX TN

Ê-phê-xô 4:7, 11-16

7Thưa anh em, mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho… 11Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. 14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. 15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. 16 Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình.  Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.”

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý chính: Thứ nhất, nhận biết đặc sủng nơi mỗi người.  Thánh Phao-lô, từ trong tù, hướng về cộng đoàn của ngài mà nhắn nhủ mọi người, hãy khám phá và nhận biết những đặc sủng Chúa ban cho từng người, đừng chia rẽ nhau vì phân bì hay so sánh những đặc sủng của nhau, nhưng phải đoàn kết xây dựng thành một cộng đoàn phong phú.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể nhìn vào chính tôi, không nhìn vào ai khác, để nhận ra đâu là những đặc sủng, những món quà mà Thiên Chúa đã đặt vào cuộc đời tôi và muốn tôi phát triển hết mức.  Tôi đã đón nhận những đặc sủng ấy và phát triển chúng như thế nào, hay tôi không hài lòng và chỉ càm ràm vì sao tôi không được những cái như người ta?  Người Mỹ có câu: “Compare and despair – so sánh đi liền với thất vọng”.  Đây là điều tối kỵ trong đời sống chung, nhưng cũng là điều không dễ tránh khỏi.  Tôi để ý tâm trạng của tôi những lúc so sánh mình với người khác: sự so sánh ấy đã làm cho tôi buồn hay vui, hy vọng hay thất vọng?  Tôi để ý tâm trạng của tôi những lúc không so sánh với ai, nhưng đón nhận những gì mình có và tập trung phát triển hết mức: Tôi có buồn hay vui, bình an hay bất an?  Tôi nói chuyện với Chúa về thái độ hay so sánh tôi với những người khác và xin Ngài giúp đỡ.  Tôi bày tỏ lòng biết ơn Chúa về những gì tôi nhận được trong cuộc sống và đã làm cho nó phát sinh thành những hoa quả tốt trong đời sống. 

2.  Ý thứ hai tôi có thể tập trung trong giờ cầu nguyện hôm nay, đó là: Sống đạo trưởng thành.  Lời khuyên này dù đã được viết ra cách đây cả hai ngàn năm, nhưng vẫn còn thích hợp với đời sống của tôi hiện nay.  Bởi vẫn còn đó quanh tôi đầy những thầy dạy, những học thuyết và lý luận trong thời đại của Social Media, Youtube, Tweeter, Facebook  Người ta không còn kiên nhẫn tra cứu Kinh Thánh, không còn tin vào truyền thống của giáo hội, không còn muốn chịu thương chịu khó, nhưng chỉ muốn thỏa mãn tức thời theo kiểu mì ăn liền, những giải pháp nông cạn cho những vấn đề phức tạp.  Tôi có cảm thấy bị chao đảo trong việc sống đức tin hiện nay?  Tôi có cảm thấy hoang mang, nghi ngờ Thiên Chúa, Giáo hội, Giáo Hoàng?  Tôi đọc lại những lời khuyên của Thánh Phao-lô và nhận định lại lối sống và niềm tin của tôi sao cho trưởng thành, không thể giữ đạo kiểu ba phải, học thuyết nào cũng tin, thầy dạy nào cũng theo, gió thổi chiều nào theo chiều đó.  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa trong giây phút này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment