Monday, October 10, 2022

Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên – Năm C –11-10-2022 – Lễ Thánh Gioan XXIII, Giáo Hoàng

Thu Ba XXVIII TN

Luca 11:37-41

37Khi ấy, Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa.  Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Thật là ngốc!  Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có thể tôi đã gặp những trình thuật nói về người tội lỗi này, người thu thuế kia, hay những người nọ yêu mến Chúa Giêsu đã mời Ngài đến nhà họ ăn.  Tuy nhiên trong bài đọc hôm nay, Thánh Luca ghi nhận một sự kiện rất lạ, đó là: Một người Pha-ri-sêu đã mời Chúa Giêsu đến nhà ông ta để dùng bữa!  Hình ảnh rất phổ biến về những người Pha-ri-sêu trong các Phúc âm, đó là: Họ có mặt ở khắp nơi, rất tiêu cực và thường xuyên chỉ trích, bắt bẻ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu.  Ấy vậy mà hôm nay, một người trong họ lại mời Chúa Giêsu về nhà ông ta ăn.  Khi tới nơi, Chúa Giêsu rất tự nhiên, vào thẳng bàn ăn, không rửa tay, một nghi thức quan trọng mà người Pha-ri-sêu thường làm trước khi ăn.  Chúa Giêsu biết rõ những người Pha-ri-sêu thường xuyên chống đối Ngài, và Ngài cũng biết rõ tập tục rửa tay trước khi ăn là rất quan trọng đối với họ.  Nhưng Ngài vẫn đến nhà của họ và không làm như tập tục của họ.  Như vậy, chứng tỏ những hành động này của Chúa Giêsu có chọn lựa chứ không phải ngẫu nhiên, hoặc do Ngài không biết.  Tôi dừng lại ở hình ảnh này để suy niệm và cầu nguyện.  Điều gì khiến Chúa Giêsu vào nhà một người thuộc nhóm thường xuyên chống đối Ngài?  Chúa Giêsu có ý gì mà lại không rửa tay trước khi ăn?  Tôi hỏi Chúa và tôi cũng hỏi tôi: Có khi nào tôi dám đến hoặc cộng tác với những người thường xuyên chỉ trích và chê bai tôi?  Cảm giác của tôi như thế nào những lúc đó?  Tôi có suy nghĩ gì mà lại làm điều đó?  Tôi có thể chia sẻ với Chúa về những cảm nghĩ trong tôi và muốn được học ở Chúa Giêsu trong những chọn lựa trái chiều. 

2.     Nếu rành Kinh Thánh, chắc ai cũng biết trước, thế nào Chúa Giêsu cũng bị tấn công, khi dám vào ngay “sào huyệt” của Pha-ri-sêu.  Kết quả, chính người Pha-ri-sêu đã mời Chúa Giêsu đến nhà của ông ta đã có phản ứng rất ngạc nhiên, đến khó chịu.  Tập tục rửa tay rất thích hợp với thời buổi đó, khi mà đường xá chưa tráng nhựa hay xi-măng, và ở một xứ nóng như Địa Trung Hải, mưa rất ít và bụi bặm rất nhiều.  Cộng với phong tục ăn uống của người Do-thái là ăn bốc, không có muỗng nĩa hay đũa như văn hóa của tôi hôm nay.  Bởi thế, tay chân khi nào cũng lấm bụi, nên rửa tay là một điều tốt, một việc nên làm trước khi ăn.  Cũng giống như ngày nay, khi cả thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, đâu đâu người ta cũng đòi hỏi phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng chất sát trùng để giữ vệ sinh cho chính mình và bảo đảm sức khỏe cho người khác.  Chúa Giêsu thừa biết những ích lợi của việc rửa tay, nhưng Ngài lại không làm.  Thánh Luca kể tiếp, Chúa Giêsu đọc được cảm nghĩ của chủ nhà và dùng cơ hội này để nói với mọi người về lối sống đạo của họ, một lối sống đạo chỉ để ý đến những hình thức bề ngoài, để ý giữ luật cho thật nghiêm ngặt, biến tập tục và lề luật trở thành những ngẫu tượng để tôn thờ, nhưng lại không để ý đến chiều sâu của tâm hồn, không có một sự kết thân và thực sự tôn thờ Thiên Chúa.  Nói như vậy, Chúa Giêsu đã tận dụng và biến đổi từ một nghịch cảnh thành một lợi cảnh, từ một sự kiện đời thường trở thành cơ hội để nói đến chiều sâu tâm linh, từ một cái nhìn tiêu cực trở thành tích cực.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa?  Tôi đã biến những nghịch cảnh thành lợi cảnh, tiêu cực thành tích cực, hận thù thành yêu thương, bất hòa trở nên hợp tác với nhau…?  Tôi đã làm gì và dựa vào đâu để có những sáng kiến cho những điều đó?  Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này, nói chuyện và bắt chước Ngài, ý thức hơn về sự uyển chuyển trong mọi hoàn cảnh, sao cho luôn dẫn mọi người đến gần Chúa và gần nhau, đến sự sống, tự do, yêu thương và hòa hợp, thay vì chia rẽ và hận thù.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment