Saturday, October 22, 2022

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm C –23-10-2022

CN XXX TN

Luca 18:9-14

9Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện.  Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.  Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Phúc âm Luca được gọi là Phúc âm của cầu nguyện, bởi cầu nguyện là một chủ đề được trải dài trong từng trang của Phúc âm Luca.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, một dụ ngôn rất nổi tiếng về thái độ trong cầu nguyện.  Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện cùng một lúc, một người là Pha-ri-sêu và người kia là người thu thuế.  Thế nhưng, thái độ cầu nguyện của mỗi vị rất khác: người kiêu căng, tự hào, kẻ khiêm nhường và hối lỗi.  Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng câu: “Người này [người thu thuế], khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia [người Pha-ri-sêu] thì không.”  Tôi có thể đi vào từng nhân vật của dụ ngôn để có thể thấy, dụ ngôn này thực sự dành cho tôi.  Trước hết, dù Chúa Giêsu nói, người Pha-ri-sêu cầu nguyện xong, nhưng không được nên công chính; tuy nhiên xét theo luật, ông Pha-ri-sêu này là một người tốt, bởi ông ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của ông.  Tôi có thấy giống ông này không khi mà, tôi cũng giữ luật tốt lắm: cầu nguyện mỗi ngày, đi lễ hằng tuần, giữ chay hằng năm?  Chưa kể, giáo xứ có chương trình gì tôi cũng tham gia và đóng góp rất quảng đại.  Đây là một mẫu người mà cha xứ nào cũng thích, bởi họ làm được việc; họ giúp giáo xứ sống còn, có tiền để chi trả những chi phí của giáo xứ.  Những việc giữ luật và hảo tâm của tôi là tốt, nhưng nếu không để ý, tôi sẽ rất dễ biến mình trở thành một Pha-ri-sêu hiện đại.  Người Pha-ri-sêu bị mắc chứng kiêu căng, không chỉ với đồng loại, ông lại kiêu căng cả với Thiên Chúa.  Ông bước vào giờ cầu nguyện là để kể công, chứ không phải để được Chúa xót thương.  Ông tự cho mình là công chính chứ không cần Thiên Chúa chuẩn nhận ông là công chính.  Đáng tiếc!  Tôi ngồi với Chúa trong giây phút này để xin được sửa mình, hoán cải, thay vì đứng thẳng, ưỡn ngực tự hào, vỗ ngực xưng tên với thiên hạ và Thiên Chúa. 

2.  Tôi cũng để ý đến nhân vật thứ hai của dụ ngôn, một người thu thuế.  Ông có một thái độ rất đáng mến.  Trước mặt Chúa, ông nhận mình là người tội lỗi nên đứng xa xa, không dám đến gần nơi cực thánh.  Ông không dám ngẩng cao đầu, nhưng cúi đầu và đấm ngực ăn năn, cầu xin lòng thương xót của Chúa.  Chúa Giêsu kể ông là người công chính.  Công chính không tự nơi ông, nhưng từ sự chuẩn nhận của Thiên Chúa.  Có khi nào tôi bước vào giờ cầu nguyện và cũng có thái độ giống người thu thuế này?  Tôi cảm thấy tâm hồn những lúc ấy như thế nào?  Gần Chúa hay xa Chúa?  Chúa gần tôi hay Ngài tránh xa tôi?  Thực sự, dù tôi có tốt đến bao nhiêu, giữ luật như thế nào, trước mặt Chúa, tôi chẳng là gì.  Tôi vẫn phải dựa vào lòng thương xót và yêu thương của Ngài.  Tôi muốn phủ phục trước mặt Chúa trong lúc này để được tình yêu Ngài tưới gội, ướt sũng con người tôi.  Tôi thì thầm cùng Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ đầy yếu đuối lỗi lầm! 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment