2 Ti-mô-thê 3:14-4:2
3/14Anh thân mến, anh hãy giữ vững những gì anh đã học được và
đã tin chắc. Anh biết anh đã học với
những ai. 15 Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh,
sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào
Đức Ki-tô Giê-su. 16 Tất cả những gì viết trong Sách Thánh
đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy,
giáo dục, để trở nên công chính. 17 Nhờ vậy, người của
Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.
4/1Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét
kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên
anh: 2 hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận
tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất
cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.
(Trích Thư Ti-mô-thê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay được trích từ thư của Thánh Phao-lô gởi cho
Ti-mô-thê. Thư này có lẽ được viết ra
khoảng năm 63, sau khi Phao-lô được ra khỏi tù ở Rô-ma. Ti-mô-thê là một người thân cận nhất và luôn
tháp tùng Thánh Phao-lô trong hầu hết các hành trình rao giảng của thánh
nhân. Ti-mô-thê cũng được Thánh Phao-lô
rất tín nhiệm và thường xuyên được ngài sai đi đó đây để giải quyết những vấn
đề rắc rối trong các cộng đoàn. Chính
vai trò này của Ti-mô-thê mà tôi tìm thấy trong Thư Ti-mô-thê mang đầy tính
chất mục vụ, trong đó bao gồm những lời khuyên dành cho các lãnh đạo trong các
cộng đoàn.
2.
Dù tôi là ai, lãnh đạo cộng đoàn, hay lãnh đạo một nhóm nhỏ, hoặc
lãnh đạo trong gia đình, tôi cũng nên đọc lại những lời khuyên rất quan trọng
trên của Thánh Phao-lô. Những lời ấy rất
ân cần và thiết tha mời gọi tôi trân quý những gì tôi đã học và đã tin với đầy
xác tín về Chúa Giêsu Kitô, về Sách Thánh.
Tôi có thể dùng những gì tôi đã được dạy về đức tin để cũng khuyên nhủ,
sửa dạy, giáo dục người khác trong mọi môi trường tôi sống với tất cả sư kiên
trì, nhẫn nại ở bất kỳ khi nào, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh của tôi hiện nay, tôi
sẽ phải loan báo tin mừng như thế nào sao cho đầy tình thương và sự khoan
dung? Điều này không dễ thực thiện. Tôi nói chuyện với Chúa và ngắm nhìn đời sống
chứng nhân của Thánh Phao-lô cho tin mừng để bắt chước.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment