Luca 12:13-21
13Khi ấy, có người trong đám đông nói với
Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho
tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử
kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15 Và Người nói
với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải
vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” 16 Sau
đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều
hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18 Rồi
ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái
lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc
ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20 Nhưng
Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi,
thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào
thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số
phận cũng như thế đó.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Sống trong cuộc đời này, ai cũng phải đối
diện liên tục với rất nhiều cám dỗ. Cám
dỗ nào cũng mạnh, và cám dỗ nào cũng có một kết cục chung, đó là: giựt tôi ra
khỏi tương quan mật thiết với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính tôi. Bài đọc hôm nay đề cập đến một trong những
cám dỗ lớn trong đời, đó là: tiền bạc, của cải vật chất. Tôi đang gặp những cám dỗ nào? Tôi có đang gặp cám dỗ về tiền bạc và của cải
vật chất? Tôi để ý con đường của cám dỗ
đó đến với tôi bằng cách nào? Nó tinh vi
và lắt léo ra sao? Tôi đã làm gì để
chống trả lại những cơn cám dỗ ấy? Tôi
đã thắng hay đã thua khi chống trả với những cám dỗ ấy? Chúa ở đâu trong những cách thức tôi chống
trả những cám dỗ ấy? Có điều gì tôi muốn
nói chuyện với Chúa và cậy dựa ở sự giúp đỡ của Ngài?
2.
Dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong bài đọc hôm
nay đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người.
Nó cũng phản ánh những nét rất thực và phổ biến nơi rất nhiều người giầu
có, đó là: Thái độ làm cha thiên hạ, coi trời bằng vung, chẳng cần biết Chúa là
ai nữa. Thái độ này thật nguy hiểm, bởi
nó làm cho tôi mù quáng về căn tính của tôi.
Tôi rất dễ đồng hóa căn tính của tôi với những gì tôi có. Tôi là cái “tôi có” chứ không còn là cái “tôi
là”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II
nói về cái nguy hiểm của cám dỗ vật chất như sau: “Thật, không có gì sai khi tôi
muốn sống khá giả thoải mái hơn; nhưng cái sai đó là, phong cách sống được cho
là tốt hơn ở cái tôi ‘có’ hơn là cái ‘tôi là’ – It is not wrong to want to live better, what is wrong is a style of
life which is presumed to be better when it is directed towards ‘having rather
than ‘being.’” Ngày nào tôi còn tự
hào về cái “tôi có”, ngày đó tôi đánh mất Chúa; bởi tôi cho những gì “tôi có”
là đủ rồi. Trong khi đó, bao lâu tôi còn
tự hào về tôi ở cái “tôi là”, tôi sẽ luôn luôn có Chúa; bởi tôi sẽ chẳng bao
giờ thấy tôi đủ ở cái “tôi là”. Chỉ
trong Thiên Chúa tôi, mới thấy tôi thật sự dư đủ. Tương quan giữa cái “tôi là” và Thiên Chúa là
một tương quan đặc tuyển không thể tách rời, như vũ công (dancer) và vũ điệu (dance).
Thiên Chúa chính là vũ công (Dancer), chính Ngài làm cho tôi, vũ
điệu (dance) được hiện hữu và có giá
trị. Thiên Chúa càng khiêu vũ đẹp bao
nhiêu, tôi càng trở nên đẹp bấy nhiêu. Một
khi tôi tách rời, không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa là Vũ công nữa, tôi cũng
sẽ không còn hiện hữu. Tôi đọc lại dụ
ngôn trên của Chúa Giêsu và để ý xem tôi đang làm giầu cuộc đời tôi và tự hào bằng
cách nào: nương tựa vào Thiên Chúa, một người nào đó, tiền bạc, của cải, bằng
cấp, hay danh vọng? Tôi lấy câu nói cuối
cùng trong dụ ngôn hôm nay của Chúa Giêsu để thức tỉnh lối sống của tôi: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi,
thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải
cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế
đó.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment