Thursday, June 9, 2022

Thứ Sáu Tuần X Thường Niên – Năm C –10-6-2022

Thu Sau X TN

1 Vua 19:9a, 11-16

9a Khi ngôn sứ Ê-li-a đến núi Khô-rếp là núi của Thiên Chúa, ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó.  Có lời Đức Chúa phán với ông: 11 “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.  Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. 12 Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.  Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. 13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.  Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” 14 Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài.  Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”

15Đức Chúa phán với ông: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đa-mát mà về.  Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; 16 còn Giê-hu con của Nim-si, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Ít-ra-en. Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.”

(Trích Sách Các Vua I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một kinh nghiệm gặp Chúa của Tiên tri Ê-li-a, nhưng cũng có thể là một bài học rất quý dạy tôi cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa.  Bởi vậy, bài đọc hôm nay mang nhiều hình ảnh có tính biểu tượng.  Trước hết, Tiên tri Ê-li-a đang chạy trốn vì người ta đang tìm giết.  Ông đã phải trốn vào trong một cái hang nơi rừng vắng.  Hình ảnh cái hang dễ cho tôi hình dung một cảnh tượng cô tịch, vắng vẻ, không bị ai quấy rầy.  Như vậy, ngay hình ảnh đầu tiên này có thể chỉ cho tôi cách thức cầu nguyện.  Trước hết, tôi phải tìm một nơi vắng vẻ, tránh xa mọi ồn ào và bận rộn của cuộc sống, để giữ cho lòng mình thật bình yên.  Như thế tôi mới có thể nghe được và gặp được Chúa.  Tôi có thể để ý đời sống cầu nguyện của tôi bao lâu nay, đâu là những lần tôi đã nhận ra sự hiện diện và nghe được tiếng của Chúa rõ ràng và dễ dàng nhất?  Phải chăng là những lúc tâm hồn tôi thật vắng lặng và bình yên?  Tôi cũng để ý, đâu là những lần tôi cầu nguyện mà chẳng cảm thấy gì, cứ như ngồi với bức tường?  Phải chăng đó là những lúc tôi thật bận rộn, môi trường xung quanh chỗ tôi cầu nguyện cũng rất ồn ào, đặc biệt là trong tâm hồn tôi không có sự bình an?  Tôi đọc lại câu chuyện trên và tìm cho tôi một cách thức và thói quen sao cho từ nay đời sống cầu nguyện của tôi được tốt hơn.

2.      Trong thanh vắng của cái hang, Tiên tri Ê-li-a đã nghe được lời mời gọi đi gặp Chúa.  Thoạt đầu, ông tưởng là có thể gặp Chúa trong bão lớn đến mức xẻ núi non, nhưng Chúa đã không có trong cơn bão lớn ấy.  Sau đó, ông tìm Chúa trong cơn động đất và cũng chẳng gặp Ngài.  Ông lại tìm Chúa trong bão lửa, nhưng Ngài cũng chẳng có ở trong đó.  Cuối cùng, ông tìm Chúa trong cơn gió hiu hiu, và lần này ông đã gặp Ngài.  Đây có lẽ chẳng phải là câu chuyện riêng của Ê-li-a, nhưng còn là câu chuyện của tôi nữa.  Phải chăng tôi thường chỉ nhớ đến Chúa, đi tìm Ngài trong những biến cố lớn của cuộc đời, như: người thân qua đời, gia đình đổ vỡ, con cái bỏ nhà đi hoang, người thân bị tai nạn, bị thất nghiệp…?  Phải chăng những lúc như vậy tôi mới chạy đến nhà thờ, tôi mới năng đi lễ, tôi mới siêng cầu nguyện?  Thế nhưng những lúc như vậy, tôi thường chẳng thấy Chúa đâu cả.  Không phải là Chúa không ở cùng tôi những lúc tôi đau khổ và bấn loạn, nhưng có lẽ do tôi không tập nhận biết sự hiện diện của Chúa và tiếng nói của Ngài những khi bình an; nên khi hoảng loạn, đầu óc rối bời, tôi cũng không thể nhận ra sự hiện diện và nghe được tiếng nói của Ngài.  Tôi có thường tìm kiếm Chúa những lúc bình an, gia đình êm ấm, con cái thành công?  Tôi có cần đến Chúa?  Tôi có coi việc đi lễ và cầu nguyện mỗi ngày là cần thiết?  Tôi nhìn lại đời sống của tôi và giữ tâm hồn tôi thật bình tâm ngay trong giây phút này để nghe được tiếng Chúa và cảm được sự hiện diện của Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Ngài Có Đó,” sáng tác của Ân Đức, với sự trình bày của Linh Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=sEduxGGT4qs

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment