Gioan 16:12-15
12Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu
nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em
tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự
mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan
báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn
vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi
sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế,
Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
(Trích
Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là Lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những mầu nhiệm quan trọng của
Giáo hội. Đây cũng là một mầu nhiệm thật
khó hiểu; bởi, tôi tin Thiên Chúa độc nhất, nhưng lại ba ngôi vị. Thế nghĩa là gì? Khó hiểu quá.
Dẫu biết đây là một tín điều khó hiểu, bởi thế mới gọi là mầu
nhiệm. Mà đã là mầu nhiệm, tôi không thể
dùng những lý luận của con người mà hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên
Chúa. Dù đây là một mầu nhiệm khó hiểu,
nhưng không phải là một tín điều do Giáo hội tự đặt ra. Nếu gọi Kinh Thánh là một mặc khải của Thiên
Chúa về chính Ngài, sự mạc khải ấy cũng được ghi nhận trong bài đọc hôm
nay. Trong một đoạn văn ngắn, Chúa Giesu
đã nói về ba ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Chúa Con
(Giesu). Tôi có thể đọc lại nhiều lần
bài đọc trên để thấy sự gắn bó mật thiết và thâm sâu của ba ngôi Thiên
Chúa. Sự gắn bó trong yêu thương thân
mật và nên một của Chúa Ba Ngôi nói gì với tôi?
Có điều gì tôi cảm thấy khó hiểu về mầu nhiệm này không? Tôi hỏi một trong ba ngôi vị giải thích cho
tôi. Tôi muốn để lòng lắng đọng và trầm
tĩnh để có thể nghe được những giải thích của ba ngôi Thiên Chúa.
2.
Có người nói, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi
không phải để hiểu, cho bằng để sống.
Quả đúng như vậy. Nếu tôi chỉ
muốn hiểu mầu nhiệm này bằng cái đầu, tôi sẽ chỉ tốn giấy mực với những lý luận
của con người, cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu.
Trái lại, nếu tôi muốn hiểu mầu nhiệm này bằng con tim, tôi phải
sống. Chỉ sống với mầu nhiệm này, tôi
mới thật sự hiểu mầu nghiệm này. Nếu ba
ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau và nên một trong nhau như thế nào, tôi cũng
phải yêu thương và nên một trong gia đình và cộng đoàn của tôi như vậy. Chỉ trong yêu thương sâu đậm, người ta mới có
thể gắn bó và nên một với nhau. Nếu
trong gia đình tôi, cộng đoàn tôi, mọi người đều yêu thương, gắn bó mật thiết
với nhau, tôi sẽ thấy mọi người đoàn kết nên một với nhau. Đây chính là tôi, cũng như xứ đạo tôi đang
diễn tả mầu nhiệm một Chúa ba ngôi rõ ràng và đầy tính thuyết phục nhất. Tôi thinh lặng, tôi lắng nghe và chiêm ngắm
Chúa, xem Ngài đang muốn tôi và cộng đoàn xứ đạo của tôi diễn tả mầu nhiệm một
Chúa ba ngôi ở những nơi đâu và như thế nào trong từng ngày sống của tôi?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment