Luca 1:57-66, 80
57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà
Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã
rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi
con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là
Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói:
“Không được! Phải đặt tên cháu là
Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có
tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông
muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và
viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều
bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói
được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều
kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai
nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng
vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho
đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
(Trích Phúc âm
Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Trong lịch phụng vụ của Giáo hội
chỉ có ba nhân vật được mừng cả ngày sinh lẫn ngày tử, đó là: Chúa Giêsu, Đức
Mẹ và Thánh Gioan Tẩy Giả. Như vậy,
Gioan quả là con người quan trọng và đặc biệt.
Đặc biệt từ lúc mẹ ông mang thai ông, một sự kiện lạ tùng. Bởi cả hai cha mẹ ông đều là những người hiếm
muộn. Khi ông được thụ thai trong lòng
mẹ, cha của ông đã bị câm cho đến ngày ông chào đời và được đặt tên, khi ấy ông
mới nói được. Quan trọng vì ông là một
điểm nối giữa các tiên tri thời Cựu ước với thời Tân ước. Ông được Chúa Giêsu khen là người quan trọng
nhất trong tất cả mọi người nam đã được sinh ra. Ông là sứ giả đi trước loan báo sự xuất hiện
của Đấng Cứu Thế. Giáo hội chỉ mừng có
ba vị trên; trong khi đó, người đời và đặc biệt trong văn hóa Việt Nam mừng
ngày sinh ngày tử của mọi người. Cuộc
đời con người ai cũng là một câu chuyện đầy thú vị, đầy nhiệm mầu. Gioan đã nhận ra những việc lạ lùng Thiên
Chúa làm trong cuộc đời của ông, khiến ông muốn sống đáp trả lại tình thương ấy
của Thiên Chúa. Từ một con người đặc
biệt, ông trở thành con người quan trọng trong lịch sử cứu độ. Năm nào tôi cũng mừng sinh nhật, nhưng tôi đã
nhận ra những dấu ấn của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào? Tôi đáp trả lại tình thương của Chúa như thế
nào trong từng ngày sống của tôi?
2.
Bài đọc hôm nay mô tả những người
thân cận của gia đình Gia-ca-ri-a đến chia vui và đặt tên cho Gioan. Họ đã theo những suy nghĩ và phong tục của
con người khi đặt tên cho Gioan, nhưng Thiên Chúa thì không nghĩ như con người nghĩ. Khi Gia-ca-ri-a nghĩ và làm theo ý muốn của
Thiên Chúa, miệng ông mở ra và ông nói được.
Khi nói được, sau bao nhiêu ngày tháng bị câm, điều đầu tiên Gia-ca-ri-a
đã làm là ca tụng Thiên Chúa. Có lẽ tôi
chưa bao giờ câm và bây giờ vẫn không câm, nhưng tôi có ca tụng Chúa
không? Mỗi giờ cầu nguyện của tôi có là
một giờ ca tụng Thiên Chúa về bao nhiêu điều tôi đã được đón nhận từ Chúa, hay
tôi chỉ thấy đây là điều tôi phải làm và làm trong nặng nề, mệt mỏi, thậm chí
làm một cách vô hồn? Hóa ra tôi vẫn câm
sao? Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc
này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment